Dẹp kênh livestream tiêu cực

Hình thức livestream (phát sóng trực tiếp trên mạng) ngày càng được sử dụng phổ biến, nhiều nhất là đối với người bán hàng trên mạng, giới nghệ sĩ, để tăng tương tác với khán giả, nhưng lại đang trở thành công cụ của không ít người nhằm kiếm tiền bằng mọi giá, thậm chí là lợi dụng để làm việc trái pháp luật. 

Trường hợp đối tượng Lê Chí Thành vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ” là một ví dụ.

Dẹp kênh livestream tiêu cực ảnh 1 Đối tượng Lê Chí Thành vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”

Trước đó, nhiều người lợi dụng hình thức livestream để vụ lợi cá nhân, đã bị cơ quan chức năng điều tra, bắt giữ, xử phạt hành chính, hoặc bị cộng đồng tẩy chay. Nhưng bẵng đi một thời gian, lại lập kênh mới để “trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Với những YouTuber hay người dùng mạng xã hội nghiệp dư, hình thức livestream nhiều khi để cho vui; nhưng cũng với hình thức đó, có không ít người xem là “nghề”, thu nhập đem lại đến từ nhiều nguồn, từ hoa hồng quảng cáo của các nhãn hàng cho đến lượt xem trên các mạng xã hội.  

Không ít lần, dư luận lên án gay gắt chuyện lợi dụng hình thức livestream để câu lượt xem (view) phản cảm ở đám tang nghệ sĩ, hay bất chấp cảnh báo của lực lượng chức năng, đội ngũ YouTuber và Facebooker vẫn cố sức livestream hiện trường vây bắt tội phạm có vũ khí nguy hiểm lên mạng xã hội.
Phản cảm hơn, không ít người khi đi tặng quà từ thiện cũng livestream, mục đích chính không vì để ghi lại lịch trình chuyến đi, mà là hình thức để đánh bóng hình ảnh bản thân. Người nhận quà đứng chờ dưới trời nắng hay bộ dạng lấm lem, mệt mỏi… thì người phát quà ăn mặc sang chảnh, cười cười nói nói. Xem mà xót xa cho người nhận quà.
Một vài thao tác là có ngay tài khoản mạng xã hội để livestream, mất khoảng hơn 1 tháng để đầu tư, tương tác và thu hút lượt theo dõi… Người dùng từ việc tiện dụng đến lạm dụng và lợi dụng hình thức này rất nhanh, bởi một lần livestream chỉ cần vài ngàn, thậm chí là vài trăm người theo dõi. Nhưng sau khi phát, video vẫn còn đó, các tài khoản khác có thể chia sẻ, bình luận và cứ như thế tốc độ lan truyền nhanh như chớp mắt theo kiểu “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa hơn”.
Bởi thế mà không ít nơi ngao ngán các YouTuber/ Facebooker, bởi đi tới đâu họ liền livestream tới đó, nhất là các quán ăn, nhà hàng… Sơ suất một chút, người “được” ghi hình đã nhận đủ gạch đá từ cộng đồng mạng, nặng hơn thì đóng cửa ngừng kinh doanh. 
Bên cạnh những kênh livestream với nội dung tiêu cực, không thiếu những kênh chia sẻ những việc làm hữu ích, nhân đạo, nhưng con số này không ăn thua gì với hàng tá kênh “độc hại” với đủ kiểu nói xấu chế độ, lực lượng thực thi pháp luật... Để có thể dẹp được các kênh livestream với nội dung xấu, cần phải xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể trong không gian mạng, khi áp dụng chế tài xử phạt phải nghiêm và mang tính răn đe với những trường hợp vi phạm. Cùng đó, có cơ chế kiểm soát người dùng chính danh trên mạng xã hội, để những người làm sai ở kênh này không thể lập kênh mới để tiếp tục vi phạm. 
Người dùng khi tham gia vào đội ngũ YouTuber, Facebooker… cần bình tĩnh trước mức thu nhập khủng từ đây. Một video của bạn có thể kiếm vài ngàn đô la, có vài triệu lượt xem, hàng chục ngàn bình luận tung hô, nhưng khi đối mặt với pháp luật thì chỉ có một mình bạn chịu trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục