Đến với đồng bào vùng tâm bão ​

Với số tiền và vật liệu do bạn đọc và các doanh nghiệp ở TPHCM đóng góp cứu trợ, Báo SGGP đã mang tấm tình đoàn kết, sẻ chia đến với người dân bị thiên tai… 
Đại diện Báo SGGP trao 30 triệu đồng giúp Trường Mầm non Quảng Xuân sửa trường
Đại diện Báo SGGP trao 30 triệu đồng giúp Trường Mầm non Quảng Xuân sửa trường
Dưới núi Hoành Sơn ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, hàng vạn hộ dân đang lợp lại mái nhà, gắng ổn định lại cuộc sống sau tai họa bị lọt vào vùng tâm bão của cơn bão số 10. Gương mặt ai cũng phờ phạc qua những ngày tất bật thu dọn hiện trường đổ nát. Với số tiền và vật liệu do bạn đọc và các doanh nghiệp ở TPHCM đóng góp cứu trợ, Báo SGGP đã mang tấm tình đoàn kết, sẻ chia đến với người dân bị thiên tai… 
Giúp lợp lại mái nhà, mái trường
Bà Dương Thị Thoan (ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) đã ngoài 75 tuổi, chồng mất sớm, ở vậy nuôi con gái. Lớn lên con gái bà lấy chồng nhưng bị tâm thần, chồng bỏ. Bà phải đón con cháu về chăm sóc. Trước bão 1 tháng, con gái bà bỏ nhà đi mất tích. Bà gửi cháu cho hàng xóm, rồi tất tả đội mưa gió đi tìm. Ngày bão lớn, căn nhà nhỏ bị thổi bay hết mái. Hay hoàn cảnh gian nan của bà, Báo SGGP đã đến thăm và trao tận tay 25 triệu đồng giúp bà sửa lại nhà.
Bà Thoan xúc động rớm nước mắt: “Trước đây căn nhà này là nhà cấp 4 lợp ngói. Cơn bão năm 2013 giật bay mái ngói, xóm làng gom góp giúp mua tấm tôn xi măng lợp ở tạm. Năm nay nhà tôi lại bị bão làm tốc mái, đến nay vẫn chưa lợp lại được. Thiệt tình cảm ơn Báo SGGP đã đến thăm và tặng số tiền lớn thế này. Tôi sẽ lợp lại mái nhà, rồi tiếp tục đi tìm đứa con gái mất tích”. 
Sâu bên trong thôn Tùng Lý (xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch), bà Đặng Thị Khuê sống đơn chiếc trong căn nhà 12m2. Bão giật làm nhà đổ sập, cái chum gạo và chiếc giường mục cũng tan nát. Trong khi dựng lại nhà, bà phải tạm trú ẩn trong lều bạt tạm bợ.
Xúc động khi nhận 25 triệu đồng do bạn đọc Báo SGGP hỗ trợ, bà Khuê cảm kích: “Đây là số tiền rất lớn với tôi, cả đời tôi chưa từng cầm một số tiền lớn như thế này. Trong hoạn nạn có bà con chòm xóm cho cái ăn, lo chỗ ở, chừ còn được Báo SGGP đến thăm, giúp đỡ. Tôi rất biết ơn và sẽ cố gắng hết sức ổn định cuộc sống để không phụ tình cảm ân cần của mọi người”.
Hưởng ứng đợt vận động của Báo SGGP, Công ty TNHH Thép Sao Việt đã ủng hộ 160 tấm tôn để giúp lợp lại mái nhà cho các hộ ở làng thanh niên lập nghiệp tại huyện Quảng Trạch. Số tôn được Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng kinh tế tỉnh Quảng Bình tiếp nhận để lo việc này.
Anh Bùi Trung Thông, Trưởng phòng Tổng hợp của Tổng đội TNXP, cho biết: “Ngay khi nhận 160 tấm tôn chuyển ra bằng tàu hỏa, đơn vị huy động 8 anh em bốc dỡ, vận chuyển đến 4 địa chỉ khó khăn cần giúp, gồm 3 hộ gia đình và Trường Mầm non Quảng Châu. Tổng đội đã khẩn trương làm trong 2 ngày đêm, để các hộ dân có mái nhà che mưa nắng”.
Bà Nguyễn Thị Trữa (ở thôn 6, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) có chồng mất sớm, nuôi 2 con bị câm điếc. Trong bão số 10, nhà bà bị tốc mái, nay đã được lợp tôn lại ấm cúng. Bà hân hoan kể: “Các chú Tổng đội TNXP rất nhiệt tình, đội mưa nắng lợp lại mái nhà cho mệ, chừ có mái tôn mới, đỡ lo mưa gió rồi”.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (ở Nông trường Việt Trung) có 3 con nhỏ, anh bị tai nạn lao động, vợ phải một mình bươn chải. Bão số 10 làm mái nhà bị tốc mất. Được giúp lợp lại mái nhà, anh  Mạnh nói: “Khi hoạn nạn lúc này, cảm động khi thấy có những người chìa tay ra với mình. Xin chân thành cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp  gia đình tui có mái nhà ấm áp”. 
Hy vọng cho mái trường sau bão
Trong bão số 10, Trường Mầm non Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) nằm ngay luồng gió bão ven biển, toàn bộ mái nhà phòng học cấp 4 ở điểm trường chính bị cuốn bay ra cánh đồng, mái tầng 2 cũng bị thổi bay tan hoang. Cả 4 điểm trường đều bị thiệt hại nặng nề. Giàn che mát do phụ huynh đóng góp dựng lên cho các cháu có chỗ chơi cũng bị giật sập. Sau bão, nhà trường cùng chính quyền đang khắc phục hậu quả.
Hiệu trưởng Đậu Thị Thanh Ngân cho biết: “Nhà trường đã phải nợ tiền ứng sửa chữa để các cháu được đến trường, không phải nghỉ học. Số tiền 30 triệu đồng Báo SGGP hỗ trợ lúc này là sự động viên rất ý nghĩa với các cô trường mầm non và 610 cháu đang học ở đây”. 
Cùng cảnh bị bão tàn phá là Trường THCS xã Quảng Xuân. Thầy giáo Nguyễn Thanh Lương nói: “Các phòng học bị tốc mái nặng. Nhà trường ưu tiên sửa chữa các phòng học, để học sinh không bị mất tiết học. Chúng tôi xin cảm ơn Báo SGGP đã đến giúp đỡ 30 triệu đồng cho nhà trường khắc phục hậu quả cơn bão số 10”.
Ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân, kể: “Địa phương liên miên gặp tai họa từ năm 2013 đến nay, với 2 trận bão lớn, lũ lại lên, rồi còn bị ảnh hưởng rất nặng nề vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Nay Báo SGGP đến giúp 2 trường học và 1 gia đình khó khăn ở xã với số tiền 75 triệu đồng, là sự động viên ý nghĩa, góp phần giúp địa phương khắc phục khó khăn, ổn định lao động sản xuất”.
Cô Tưởng Thị Hồng Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Châu, cho biết: “Trường bị thiệt hại rất lớn trong bão số 10. Nay được giúp  tôn lợp lại mái và được sửa chữa miễn phí, cô trò chúng tôi rất mừng và xin cảm ơn”.
Thầy Trương Quang Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu, xúc động kể: “Sau khi phóng viên của Báo SGGP ghi nhận cảnh trường bị tốc mái nhà toàn bộ, đã thu hút nhiều đơn vị và nhà hảo tâm về đây giúp đỡ. Hôm nay Báo SGGP còn đến giúp nhà trường 30 triệu đồng sửa trường, là tình cảm quý báu để thầy trò chúng tôi quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học”.

Báo SGGP trao quà cứu trợ bệnh nhân nghèo

Sáng 9-10, đại diện Báo SGGP đã đến thăm hỏi các bệnh nhân quê ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có nhà cửa hư hại trong bão số 10 vừa qua đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế.
Cũng trong dịp này, Báo SGGP đã trao tặng các bệnh nhân 48 suất quà cứu trợ (46 suất trị giá 1 triệu đồng/suất và 2 suất trị giá 2 triệu đồng/suất). 50 triệu đồng cứu trợ lần này được trích từ kinh phí gần 1 tỷ đồng mà bạn đọc đã tin tưởng, gửi Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP trực tiếp trao tận tay đồng bào nghèo bị thiệt hại nặng nề trong siêu bão số 10. 
Bà Nguyễn Thị Diệu My, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, thay mặt các bệnh nhân cảm ơn tấm lòng bạn đọc Báo SGGP, đã kịp thời hỗ trợ những phần quà bằng tiền mặt giúp đỡ các bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn sau hoạn nạn thiên tai, tạo thêm động lực chiến thắng bệnh tật, sớm mạnh khỏe trở về với gia đình.
VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục