Đến năm 2030 có thể dự báo được ô nhiễm môi trường ​

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết: “Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam có thể bước đầu cảnh báo và đến năm 2030 có thể dự báo được ô nhiễm môi trường”.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị “Quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam” diễn ra ngày 22-7, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo Thứ trưởng, Bộ TN-MT đang khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chính là đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng. “Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam có thể bước đầu cảnh báo và đến năm 2030 có thể dự báo được ô nhiễm môi trường”, ông Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) cho biết, tại khu vực miền Nam, mạng lưới quan trắc môi trường thuộc các đơn vị của Trung ương, các bộ, ngành và địa phương đã trải rộng trên khắp 21 tỉnh, thành phía Nam. Đến nay, Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam đã kết nối tự động dữ liệu của 370 trạm quan trắc/20 tỉnh, thành phố.

Nguồn nhân lực, trang thiết bị thực hiện quan trắc môi trường dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác quan trắc và trong thời gian tới là dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Bộ dữ liệu quan trắc hàng năm chưa được sử dụng hiệu quả tương xứng với kinh phí được đầu tư. Việc chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương chưa được liền mạch, dẫn đến công tác dự báo, cảnh báo có tính liên vùng, liên lưu vực sông gặp nhiều khó khăn.

Để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường đạt hiệu quả cao, Bộ TN-MT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan duy trì và phát triển hoạt động quan trắc môi trường ở cả Trung ương và địa phương, trong đó, tập trung trọng tâm vào các đô thị, lưu vực sông chính, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, dự án khai thác bauxit và thủy điện.

Cùng với đó, các điểm nóng môi trường, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được theo dõi thường xuyên, liên tục… thông qua hệ thống Đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương với hơn 2.500 thông tin phản ánh đã được tiếp nhận và xử lý; 12 tổ giám sát thường xuyên. Hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường được xây dựng và phát triển đồng bộ với 1.234 trạm quan trắc (gồm 276 trạm quan trắc môi trường xung quanh và 959 trạm quan trắc phát thải tự động, liên tục) thường xuyên truyền số liệu về Bộ TN-MT thông qua phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động để triển khai trong phạm vi toàn quốc do Tổng cục Môi trường xây dựng và phát triển.

Tin cùng chuyên mục