Đến năm 2023 hoàn thành việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên

Ngày 20-5 sẽ kết thúc việc lấy ý kiến đối với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể.
Để phát triển năng lực của học sinh cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên (Ảnh: Thầy và trò trong ngày hội STEM 2016 tại Hà Nội)
Để phát triển năng lực của học sinh cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên (Ảnh: Thầy và trò trong ngày hội STEM 2016 tại Hà Nội)

Dự kiến chương trình sẽ được ban hành vào tháng 9 và theo đề xuất của Ban phát triển chương trình, từ năm học 2018-2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1. Như vậy, thời gian sẽ không còn nhiều nên hầu hết các ý kiến đều cho rằng song song với việc hoàn thiện chương trình thì việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thực hiện chương trình thành công, nhất là đội ngũ giáo viên, là quan trọng nhất lúc này.

Rà soát khoảng 1,4 triệu giáo viên

Nếu chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới bảo đảm chất lượng nhưng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và cơ sở vật chất của các trường không được chuẩn bị tốt, không đáp ứng được yêu cầu thì chương trình GDPT mới không thể thành công. Bởi chương trình tốt chỉ là một điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ để thành công là điều kiện trong tổ chức thực hiện. Những điều kiện đó trực tiếp là đội ngũ giáo viên. Phương pháp dạy học phải thay đổi căn bản, trước đây là truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ theo một cách tách rời, nhưng hiện nay yêu cầu phải dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực. Nên nếu không tiến hành bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực thì không thể đạt được yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, khi áp dụng chương trình GDPT mới sẽ có những thay đổi rất căn bản. Chương trình cũ dạy các tiết học rất rời rạc, dạy theo hướng tiếp cận kiến thức. Còn cách dạy mới sẽ theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học nên sẽ có sự tổng hợp kiến thức, tích hợp, liên môn. Như vậy dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên đang đứng lớp phải bồi dưỡng, đào tạo lại. Quá trình đào tạo bồi dưỡng ấy không phải giáo viên nào cũng thích hợp, cũng đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án Đào tạo lại giáo viên đáp ứng chuẩn mới. Ban dự án hiện đang rà soát xây dựng các chuẩn giáo viên và chuẩn quản lý, đào tạo theo chuẩn mới.

Từ yêu cầu đó, từ tháng 9 năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên. Trước hết là với đội ngũ giáo viên cốt cán, tiếp đó tiến hành theo hình thức cuốn chiếu và dự kiến đến năm 2023 là hoàn thành toàn bộ việc bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên. “Đối với một số giáo viên lớn tuổi, nếu xin nghỉ hưu sớm, Bộ GD-ĐT sẽ bàn lại với Bộ Nội vụ để tạo điều kiện để họ nghỉ hưu với chế độ hợp tình, hợp lý”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

 Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã yêu cầu Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các trường sư phạm đẩy nhanh quá trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại từng cơ sở giáo dục.

Sẽ chỉ còn cơ chế hợp đồng với giáo viên?

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ngay từ giữa tháng 5 này, bộ sẽ rà soát khoảng 1,4 triệu giáo viên hiện có để biết trình độ giáo viên đang ở mức nào so với các tiêu chuẩn. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu đáp ứng chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sẽ do các trường sư phạm đảm nhiệm.

Đáng chú ý, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, mà theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn, tránh “bê tông hóa” trong biên chế. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình. “Theo tính toán, chỉ riêng nhu cầu định biên kế toán và y tế, hiện khoảng 80.000 cán bộ. Tiến tới, sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3 - 4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. Tiến tới chúng tôi tinh giản kế toán, hoặc kiêm nhiệm. Còn y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý”, Bộ trưởng cho biết.

Rõ ràng, chất lượng giáo dục phổ thông trước hết phụ thuộc vào trình độ đội ngũ của giáo viên, càng ngày càng đòi hỏi trình độ giáo viên (đạo đức và năng lực) càng cao. Nếu chúng ta muốn xây dựng nền giáo dục theo hướng mở, theo chuẩn hóa thì cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học phải được chuẩn hóa và được hiện đại. Do đó, khi làm chương trình thì chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở phải làm song song, thậm chí phải làm trước.

Về việc hàng năm giáo viên phải đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ GD-ĐT đã chủ trương từ năm học 2017-2018 sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua. Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các thầy cô sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện; cấp phòng, sở, bộ biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo. Việc này khác kiểu truyền thống là thầy cô nào cũng phải có sáng kiến, gây áp lực nặng nề lên giáo viên…

Tin cùng chuyên mục