Đèn LED có thể gây rối loạn sinh học

Ánh sáng xanh từ đèn LED có thể gây tổn hại võng mạc và làm rối loạn đồng hồ sinh học của con người. Cơ quan Thực phẩm, môi trường, sức khỏe và an toàn lao động Pháp (ANSES) đưa ra cảnh báo này trong một báo cáo dài 400 trang vừa được công bố mới đây.
Đèn LED ô tô quá sáng gây chói, dễ dẫn đến tai nạn
Đèn LED ô tô quá sáng gây chói, dễ dẫn đến tai nạn

Theo báo cáo, việc tiếp xúc thường xuyên với ánh đèn LED có nguy cơ đẩy nhanh tốc độ lão hóa của tế bào võng mạc, làm giảm thị lực cũng như gia tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa nhất định như thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Bác sĩ chuyên khoa mắt và trưởng nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo trên, Francine Behar-Cohen, cho biết các màn hình LED của điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay ít nguy cơ gây hại cho mắt do độ sáng thấp hơn so với những loại thiết bị phát sáng khác.

Tuy nhiên, những đèn chiếu sáng phía sau của những thiết bị này, đặc biệt khi được dùng vào ban đêm hoặc phòng tối, có thể gây rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đặc biệt, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên dễ bị tổn hại hơn do thủy tinh thể của mắt chưa phát triển đầy đủ. Ngoài ra, một số tác động khác đến nhịp sinh học hàng ngày có thể kể đến bao gồm những rối loạn về trao đổi chất như béo phì, bệnh tim mạch và một số loại bệnh ung thư. Một số đèn LED nhấp nháy do dòng điện không ổn định còn có thể gây đau đầu, mỏi mắt và nguy cơ xảy ra tai nạn cao hơn.

ANSES khuyến cáo nên điều chỉnh thời gian tối đa tiếp xúc với ánh đèn LED. Đối với mục đích sử dụng trong nhà, cơ quan trên khuyến cáo nên sử dụng đèn LED với ánh sáng ngả vàng, hạn chế tiếp xúc với các nguồn LED với ánh sáng xanh cường độ cao và tránh xa những màn hình LED trước khi đi ngủ.

Tin cùng chuyên mục