Delta Plus đe dọa tiến trình dập dịch Covid-19

Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra, Ấn Độ vào tháng 10-2020 và đến nay đã có mặt tại 80 quốc gia. Trong khi đó, Delta Plus là thế hệ tiếp theo của biến chủng Delta. 
Delta Plus đe dọa tiến trình dập dịch Covid-19. Ảnh: CNBC.
Delta Plus đe dọa tiến trình dập dịch Covid-19. Ảnh: CNBC.

Đến nay, chủng Delta Plus đã được phát hiện trên 22 ca bệnh tại Ấn Độ, trong đó 16 ca sống tại các quận Ratnagiri và Jalgaon của bang miền Tây Maharashtra. Các trường hợp còn lại được xác định tại bang Kerala và Madhya Pradesh. Ngay sau khi phát hiện 22 ca mắc Covid-19 do nhiễm biến chủng Delta Plus, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đây là một “biến chủng gây lo ngại”. Các chuyên gia lo ngại biến chủng Delta Plus có thể gây ra làn sóng dịch thứ 3 ở Ấn Độ và cảnh báo nó có thể đến sớm hơn dự kiến.

Hiện đã xuất hiện khả năng biến chủng Delta Plus có thể  lây nhiễm ở người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19. Giáo sư Shahid Jameel, cựu thành viên Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG), một trong những nhà virus học hàng đầu trong nước, cho biết, việc sở hữu tất cả đặc điểm của biến chủng Delta kết hợp với đột biến trong biến chủng Beta khiến biến chủng Delta Plus dễ lây lan hơn, sớm thích nghi hơn và dễ dàng đánh bại khả năng miễn dịch.

Tuy đã được phát hiện tại 10 nước (Ấn Độ, Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Trung Quốc và Nga) nhưng thực tế có rất ít thông tin về biến chủng Delta Plus. Giống như biến chủng Delta - hiện đã lây lan đến 80 nước, Delta Plus được coi là có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh chóng. Nó cũng cho thấy khả năng bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.

Giới khoa học vẫn chưa thử nghiệm mức độ hiệu quả của các vaccine với biến chủng Delta Plus, nhưng TS Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cho rằng, các vaccine hiện thời dường như vẫn có hiệu quả với biến chủng Delta. Theo ông Scott Gottlieb, các vaccine mRNA Moderna và Pfizer/BioNTech có hiệu quả cao khoảng 88% chống lại biến chủng Delta. Còn các vaccine vector của Johnson & Johnson và AstraZeneca có thể cho hiệu quả khoảng 60%. 

Trong khi đó, biến chủng Delta tiếp tục “càn quét” các thành quả chống dịch đạt được tại nhiều nước ở châu Âu và Mỹ. Theo WHO, biến chủng Delta đang trên đường trở thành biến chủng thống trị trên toàn cầu vì khả năng lây nhiễm tăng lên. Giới chức khoa học Mỹ cảnh báo, biến chủng Delta là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 ở trong nước. Châu Âu, khu vực đang hy vọng có thể “mở cửa” hoàn toàn trong mùa hè này nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine, có nguy cơ không thực hiện được kế hoạch vì biến chủng Delta đang tạo làn sóng lây nhiễm mới ở Anh, Đức… Thủ tướng Israel cũng cảnh báo về đợt bùng phát Covid-19 mới sau khi số ca mắc mới gia tăng, được cho là do những người nhập cảnh mang biến chủng Delta.

Tin cùng chuyên mục