Để xứng đáng với sự hy sinh

Để có cuộc sống trong hòa bình hôm nay, đã có hàng triệu con người ngã xuống, tự nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho đất nước hồi sinh. Cái giá của hòa bình thật là lớn lao, sự hy sinh thật là cao cả.
Có nước nào trên thế giới có ngày thương binh, liệt sĩ đầy xúc động như nước ta? Có nước nào trên thế giới có nghĩa trang quốc gia và hơn 3.000 nghĩa trang khắp mọi miền Tổ quốc như nước ta? Một đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt; đã và đang làm hết sức mình để vơi bớt nỗi thương đau.
Đạo lý của một dân tộc có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” như thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm, trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng và lời dặn của Bác Hồ, 70 năm qua, kể từ “Ngày thương binh toàn quốc” (27-7-1947), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã luôn có nhiều hoạt động thiết thực đối với người có công cách mạng, các gia đình liệt sĩ, thương binh.
Hệ thống chế độ chính sách từ Sắc lệnh 20/SL năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới nay đã tương đối đầy đủ cùng với sự phát triển của đất nước và khả năng ngân sách của Nhà nước. Hiện nay, cả nước đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 600.000 thương binh và người hưởng chế độ thương binh. Hiện có 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trong đó TPHCM có hơn 270.000 người.
Những việc chăm lo của cả xã hội cho người có công ngày càng thiết thực hơn. Chỉ tính 10 năm qua các quỹ đã huy động gần 3.500 tỷ đồng để chăm lo cho người có công; đã xây dựng trên 90.000 nhà tình nghĩa và sửa chữa 75.000 căn với số tiền lên tới hơn 12.000 tỷ đồng; đã trao hơn 150.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa. Đến nay, đã có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú. Bản thân thương binh, các gia đình thương binh, liệt sĩ cũng đã nỗ lực vươn lên. Nhiều người đã giúp đỡ được nhiều trường hợp khó khăn hơn mình. Việc quy tập hài cốt an táng tại các nghĩa trang được tiếp tục với nhiều sự cố gắng của đồng đội, người thân, tổ chức và những tấm lòng nhân ái. Những trường hợp còn tồn đọng, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đang được các cấp lãnh đạo quan tâm tháo gỡ cũng như xử lý nghiêm và kịp thời chấn chỉnh những vụ việc sai phạm, lạm dụng…
Đảng và Nhà nước ta luôn coi ưu đãi người có công là chính sách trọng điểm, được ưu tiên hàng đầu trong hệ thống chính sách xã hội. Cùng với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội đã đem lại những kết quả rất có ý nghĩa trong thời gian qua. Việc chăm lo cho người có công đã trở thành những việc làm thường xuyên và nhất là trong dịp tháng 7 hàng năm. 
Để phát huy hơn nữa việc chăm lo cho người có công trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công trên cơ sở tổng kết thực tiễn, xây dựng Luật Ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện mới có khá hơn so với trước. Thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu về việc làm và giáo dục nghề nghiệp… có ưu tiên hỗ trợ cho người có công. 
Đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình người có công” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, bằng các giải pháp tích cực, có sự quan tâm đối với những gia đình còn nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây. Việc quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn tiếp tục với tất cả sự cố gắng. Riêng TPHCM vẫn còn 10.000 mộ chưa có đủ thông tin. Cùng với công tác tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương của các anh hùng, liệt sĩ, nhân lên những việc làm tốt trong công tác hậu phương quân đội, chăm lo cho người có công… 
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình nhưng đau thương, mất mát do chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề. Hành trình tri ân luôn được các thế hệ tiếp nối quan tâm đền đáp… Vẫn biết đền đáp bao nhiêu cũng là chưa đủ với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, của người có công nhưng với sự chung tay của toàn xã hội, nhất định việc làm có ý nghĩa này ngày càng trở nên thiết thực, làm ấm lòng các gia đình người có công. Và để xứng đáng với sự hy sinh của những người đã quên mình vì nước, không gì khác hơn là cùng nhau bảo vệ hòa bình, xây dựng đất nước, làm rạng rỡ hơn hai tiếng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục