Đề xuất thu hồi tài sản có dấu hiệu tham nhũng

Việc kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức và những người có liên quan vẫn là câu chuyện luôn nóng. Vì liên quan trực tiếp tới hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn nên việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa được như mong muốn.

Trước ý kiến cho rằng cần có Luật Đăng ký tài sản để tránh tẩu tán, chuyển dịch tài sản, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. 

Đề xuất thu hồi tài sản có dấu hiệu tham nhũng ảnh 1 Ông Đinh Văn Minh

Tài sản phải rõ ràng

PHÓNG VIÊN: Theo ông cần thiết có Luật Đăng ký tài sản để tránh tẩu tán tài sản do tham nhũng, đồng thời nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản?

TS ĐINH VĂN MINH: Tôi nghĩ, một xã hội văn minh, mọi thứ phải rõ ràng nguồn gốc, kể cả tài sản (của ai, như thế nào, từ đâu ra…) cũng như lý lịch của một con người. Khi rõ ràng thì những gì không đúng, lệch lạc sẽ phát hiện ra ngay (như tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế...). Ví dụ khi tham gia giao thông trên đường, mọi người đều đi đúng hàng, lối nên có người không thực hiện đúng, chúng ta sẽ biết ngay. 

Việc minh bạch tài sản, các nước đều đã có quy định rõ ràng. Ở nước ta, chuyện mua nhà, đất sau đó 10 năm bán lại, tôi chưa nói tới chuyện có đầu cơ hay không, nhưng có sự lãng phí rất lớn về thuế. Vì vậy, nếu có Luật Đăng ký tài sản sẽ tránh được đầu cơ và lãng phí. 

Cái khó nhất hiện nay là người tham nhũng ít khi đứng tên tài sản mà thường để con, cháu, vợ “núp bóng”. Việc này, cơ quan chức năng không thể đụng vào vì liên quan quyền sở hữu công dân. Theo ông, cần giải quyết căn cơ như thế nào?
Hiện có những điều rất vô lý, nhiều người rất ít tuổi nhưng lại có khối tài sản rất lớn. Tài sản này ở đâu ra? Tham nhũng xét cho cùng, có mục đích chiếm đoạt tiền bạc, tài sản. Do vậy, khi đã quản lý được tài sản mà ai gia tăng tài sản bất thường thì đó là dấu hiệu của tham nhũng. Đồng thời nếu kiểm soát được chuyện gia tăng tài sản sẽ ngăn được câu chuyện tẩu tán. Trước kia, chúng ta chỉ thu hồi được tài sản tham nhũng khi đã có bản án hình sự. Nhưng thời gian từ lúc khởi tố đến khi có thể kết tội tham nhũng phải mất cả năm hoặc lâu hơn, nên đối tượng có đủ thời gian để tẩu tán tài sản. Vì vậy, chúng ta rất khó khăn thu hồi theo bản án. Lý do là việc quản lý tài sản ở nước ta chưa đi vào nề nếp, tài sản có thể cho, tặng… Hiện nay, Luật Phòng chống tham nhũng đã có quy định cho phép các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản… 
Việc thu hồi tài sản tham nhũng muốn có hiệu quả cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm đang nghiên cứu và đề xuất thu hồi những tài sản có dấu hiệu tham nhũng không qua bản án hình sự. Nhiều nước quy định người có tài sản phải có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Nếu không, có thể bị thu hồi bằng nhiều biện pháp phi hình sự hoặc ít nhất họ sẽ bị quy hành vi “làm giàu bất chính”. Nếu có được quy định này cùng với việc phải đăng ký tài sản thì không thể tẩu tán tài sản. Lúc đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng sẽ cao lên.
Lỗ hổng lớn 
Hiện nay chúng ta chỉ kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức, trong khi nhiều hình thức “chiếm đoạt” tài sản với các phương thức khác nhau vẫn diễn ra phức tạp?
Đúng như vậy. Việc kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức cũng có ý nghĩa nhưng cũng cho thấy một lỗ hổng rất lớn. Chúng ta vẫn thấy, có những “cô, cậu” có khối tài sản lớn và ai cũng biết nguồn đó là từ cha, mẹ nhưng không có cách kiểm soát vì tài sản không được đăng ký. Ở nước ngoài không như vậy. Tài sản ở các nước khi đăng ký sẽ biết được nguồn gốc. Ví dụ, lấy tiền đâu mua nhà? Khoản đó có nộp thuế hay không?... Khi đã quản lý được việc chuyển dịch tài sản, tiền  sẽ quản được vấn đề trên. 
Hiện nay, ở Việt Nam mặc dù có quy định tài sản phải đăng ký, nhưng trên thực tế không có đăng ký (trừ xe cộ, nhà, đất) nên khó kiểm soát được việc chuyển dịch tài sản, tiền. Nói thế để thấy, hiện nay chúng ta chỉ kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức, chứ không kiểm soát khi nó được chuyển cho người khác. Do đó, cần có cơ chế để kiểm soát tài sản trên bình diện toàn xã hội.
Chúng ta cần có cơ chế như thế nào để khuyến khích xã hội giám sát, tố cáo các hành vi tham nhũng, tẩu tán hoặc có bằng chứng về chuyển dịch tài sản bất hợp pháp?
Pháp luật đã có nhiều quy định khuyến khích và bảo vệ người dân tố cáo phản ánh về các biểu hiện bất thường liên quan đến tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định tố cáo nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Tố cáo sẽ là một trong những căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra xác minh về tính trung thực trong việc kê khai tài sản. Nếu người kê khai không trung thực, sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc. 
Theo ông, làm sao để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phòng chống tham nhũng là chống giặc nội xâm; làm thế nào để người có ý định tham nhũng “không muốn, không dám, không thể tham nhũng”?
Phòng chống tham nhũng là công việc lâu dài, phải sử dụng đồng bộ các giải pháp. Để thực hiện như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chúng ta phải tạo lập cơ chế quản lý thật tốt, không có sơ hở, để cán bộ, công chức không thể lợi dụng “kiếm chác”; “đừng để mỡ treo miệng mèo”. Mặt khác, chúng ta cũng phải chăm lo cuộc sống của cán bộ, công chức, bảo đảm họ không rơi vào hoàn cảnh “đói ăn vụng, túng làm liều”; để họ không phải tham nhũng vẫn đủ sống. Phải giáo dục đạo đức, sự liêm chính, để cán bộ đảng viên thấy tham nhũng là điều đáng xấu hổ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự thấy không muốn làm những điều trái với lương tâm, đạo lý, tự mỗi người đấu tranh và kiểm soát chính mình. 
Ông hình dung nếu có Luật Đăng ký tài sản, thì cần có chế tài nào để người liên quan thấy được việc đăng ký là điều nên làm?
Chúng ta phải tuyên truyền để họ thấy được lợi ích của việc đăng ký tài sản. Nếu tài sản không được đăng ký, sẽ gặp rủi ro khi xảy ra tranh chấp (chưa kể bị chiếm đoạt, mất cắp, chiếm dụng). Đăng ký để có nơi bảo hộ tài sản cho mình. Các trình tự, thủ tục để tham gia đăng ký phải rất đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Việc này nhà nước phải chủ động.

Tin cùng chuyên mục