Đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương ​

Đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế. Đây là những tỉnh, thành trọng điểm về phát triển khu công nghiệp, có năng suất lao động cao nhất, đóng góp lớn cho kinh tế, ngân sách của đất nước (45%), ngân sách Trung ương.
Quốc hội ngày 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quốc hội ngày 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 8-11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội.

Trong phiên thảo luận chiều 8-11, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đã phát biểu đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Theo ĐB, hơn 6 tháng qua, “cơn bão” Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có trên đất nước ta, gây ra những hệ lụy, mất mát lớn, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến đến mọi mặt của đời sống xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19 xâm nhập sâu và diễn biến phức tạp tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, nhất là TPHCM và một số tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Những tác động của dịch Covid-19 đã thể hiện rõ trong bức tranh kinh tế của các tỉnh thành này.

ĐB dẫn chứng, trong 9 tháng đầu năm 2021, GRDP của TPHCM giảm 4,98% và tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4% so với cùng kỳ; còn tại Đồng Nai và Bình Dương, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng chậm.

Tại Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,12% và chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,91% so với cùng kỳ (trong khi bình quân cả nước tăng 4,45%), đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua; thu hút vốn đầu tư trong nước chỉ bằng 52% so với cùng kỳ; gần 900 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và giải thể.

Còn tại Bình Dương, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,9% và chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ; đã có 435 doanh nghiệp giảm vốn và giải thể.

Dự báo, Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM đều không đạt được kế hoạch tăng GRDP của năm 2021. Bên cạnh đó, hàng triệu lao động đã rời bỏ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An gây ra sự thiếu hụt lao động.

ĐB Đỗ Thị Thu Hằng cũng cho rằng, ngoài thiệt hại kinh tế, các tỉnh thành này còn chịu tổn thương về sức khỏe, tinh thần của người dân và thương hiệu địa phương... Có thể nói, các tỉnh thành này vừa trải qua "cơn bạo bệnh", như một cơ thể cần được bồi bổ, dưỡng thương, cần được hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực để vực dậy và hồi phục.

Đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương ​ ảnh 1 ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) 

Do đó, trong các quyết sách phục hồi, tái cơ cấu và phát triển kinh tế đất nước mà Quốc hội đang trăn trở và dành nhiều thời lượng của kỳ họp để bàn thảo, cân nhắc, ĐB đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế. Đây là những tỉnh, thành trọng điểm về phát triển khu công nghiệp, có năng suất lao động cao nhất, đóng góp lớn cho kinh tế, ngân sách của đất nước (45%), ngân sách Trung ương.

Theo ĐB Đỗ Thị Thu Hằng, khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khó đoán định, đồng thời chủ động ứng phó với các tác động khác. Quyết sách này cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện có và các gói kích thích kinh tế ban hành sẽ giúp các địa bàn kinh tế trọng điểm phục hồi về kinh tế, tạo tác động lan tỏa và kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam cũng như cả nước. 

Bên cạnh đó, các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế số, tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là tạo điểm tựa cho hàng triệu lao động nhập cư.

Cũng theo ĐB, một trong những mục tiêu sau đại dịch của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương là khẩn trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. Trong đó, TPHCM có kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ, Đồng Nai phấn đấu xây dựng khoảng 6.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030; Bình Dương dự kiến tăng thêm khoảng 2 triệu m² sàn nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư trong giai đoạn 2021 - 2025. 

“Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức và áp lực lớn đối với kế hoạch ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2024. Tuy nhiên, để tạo nguồn lực phục hồi cho các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch Covid -19, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân đối tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương này với mức hợp lý”, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị.

Tin cùng chuyên mục