Đề xuất phương án mới tính phí BOT dựa trên chi phí tiết kiệm được

Ngày 22-2, tại góp ý vào Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất một phương pháp tính mức giá tối đa mới, dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” của phương tiện. 
Theo VCCI, 2 phương pháp tính hiện hành rất bất cập. Trong đó, phương pháp giá theo lượt (áp dụng cho những dự án thu phí mở) không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ.
Phương pháp tính giá theo chặng (áp dụng cho những dự án thu phí đóng) đã được xác định dựa vào chiều dài tuyến đường nhưng vẫn chưa được cân nhắc các yếu tố về chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông.
Đặc biệt, hai phương pháp trên không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường.
Đề xuất phương án mới tính phí BOT dựa trên chi phí tiết kiệm được ảnh 1 Trạm thu phí T2 trên QL 91. Ảnh: ĐÔNG XUYÊN
Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường mà vẫn được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý. Nguyên nhân xuất phát từ việc căn cứ tính mức giá thu đã bỏ qua hoàn toàn các yếu tố về chất lượng giao thông trước khi có dự án. 
Để khắc phục những bất cập trên, VCCI đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn ý kiến của một số chuyên gia và đề xuất phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” của phương tiện.
Để thu phí, đầu tiên, các bên liên quan phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại…
Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình để phương tiện đó sẽ giảm xuống. Như vậy, nhờ dự án đường bộ đó, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”.
Chủ đầu tư dự án được phép thu giá dịch vụ bằng một tỷ lệ nhất định trên khoản chi phí tiết kiệm được này, nhưng giá thu không bao giờ được phép vượt quá chi phí tiết kiệm được.
Ví dụ, chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 tấn - 10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng, sau khi xây dựng dự án đường bộ thì chi phí này giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng.
Như vậy, một phương tiện đi từ A đến B sẽ được hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng.
Theo tính toán của VCCI, phương pháp này luôn “chấp nhận được” đối với chủ phương tiện, do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi, nên chủ phương tiện luôn được hưởng lợi 50% giá trị còn lại.
Bên cạnh đó, phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng “cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới”.
Phương pháp tính toán này cũng cho phép chủ đầu tư luôn được hưởng 50% giá trị mang lại cho cho khách hàng của mình. 
Hiện nay, việc thu hút đầu tư cho dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông đang là bài toán khó đối với Bộ GTVT. Do những phản ứng của người dân một số địa phương trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư tỏ ra ngần ngại khi đầu tư theo hình thức BOT vào các hạng mục của dự án này.
Nếu cơ quan nhà nước có thể đưa ra một phương án tính giá chính xác, khoa học thì sẽ là cơ sở để tạo ra đồng thuận xã hội, giảm rủi ro và khiến các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Để phương pháp này thực sự hiệu quả, VCCI cho rằng các số liệu đầu vào phải được thu thập một cách chính xác và khách quan, được công khai và có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm chủ đầu tư, Bộ GTVT, UBND các cấp tại địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải tại các địa phương có liên quan… 

Tin cùng chuyên mục