Đề xuất nhiều giải pháp cứu rừng

Sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Miền Trung: Rừng mất, đất cằn” trên các số báo ngày 29, 30-6 và 1-7, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi và hiến kế từ phía các nhà chức trách, giới chuyên môn xoay quanh các vấn đề về bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng bền vững ở miền Trung.

Quy hoạch lại rừng tập trung

Gửi ý kiến đến Báo SGGP, TS Phạm Tấn Thành, Viện phó Viện Kinh tế tỉnh Bình Định (người có 20 năm công tác trong ngành lâm nghiệp), nhấn mạnh, bài toán sống còn để tái thiết lại những cánh rừng miền Trung là phải hướng đến trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp. Muốn làm được vậy, trước mắt cần phải quy hoạch, giao quyền sử dụng đất ổn định cho người dân. Việc trồng gỗ lớn cần phải có chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kéo dài thời gian thu hoạch và hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách bảo hiểm về lâm nghiệp cho những đối tượng tham gia trồng gỗ lớn.

Đề xuất nhiều giải pháp cứu rừng ảnh 1 Định vị để bảo tồn, lưu giữ giống quế mẹ bản địa ở Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: NGỌC OAI
Cùng quan điểm, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, từ lâu Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã có chương trình bảo vệ, phát triển rừng bền vững, trong đó có chủ trương trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC. Song, rừng ở miền Trung và cả nước hiện đang phát sinh nhiều bất cập và còn rất nhiều việc cần phải làm ngay. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là quy hoạch lại rừng tập trung. Ngoài ra, khi đã quy hoạch được rừng tập trung thì cần phải huy động được vốn để trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, hiện tại chưa có vốn hoặc có thì rất nhỏ giọt nên không thể tạo được động lực để phát triển rừng bền vững.

Liên quan đến các bất cập về quy hoạch, quản lý 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất), ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, lại “than khó” vì thiếu kinh phí. Theo ông Hưng, tại lâm phận Khu bảo tồn loài Sao La đã được quy hoạch rừng đặc dụng, hiện có ít nhất 188ha nương rẫy có chủ. Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La đang kiến nghị cơ chế bồi thường, hỗ trợ để người dân giao đất nhưng chưa gỡ được vì không biết sử dụng nguồn kinh phí từ đâu.

Ứng dụng công nghệ để giữ rừng

Theo giới chức trách và các nhà khoa học, trong điều kiện hiện nay thì vai trò của kiểm lâm cần thay đổi rất nhiều. Bên cạnh việc giữ rừng nguồn, lực lượng kiểm lâm trực tiếp tham gia điều phối, thực hiện các cam kết thỏa thuận trong những khu rừng sản xuất trồng gỗ lớn hoặc trong các dự án phát triển, phục hồi rừng của Nhà nước…

Phản hồi về vấn đề này, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), đơn vị đang bảo vệ gần 46.000ha rừng tự nhiên, cho biết, cuộc chiến giữ rừng âm thầm nhưng liên tục và không có thời điểm. Nó như là một cuộc đua, nếu kiểm lâm không mạnh thì lâm tặc sẽ hoành hành. Vì vậy, trong tình hình mới, với các yêu cầu phát triển rừng bền vững, đơn vị đã sẵn sàng huy động nguồn lực, trí tuệ để vừa chế ngự lâm tặc, vừa tham gia vào công cuộc tái thiết rừng bền vững…

Bên cạnh việc trồng rừng gỗ lớn, nhiều ý kiến của giới chuyên môn hiến kế, cần phải thực hiện trồng rừng hỗn giao, luân canh. Ngoài giống cây keo tràm, các nhà nghiên cứu cần tìm thêm nhiều giống cây mới. Ngoài ra, phải lưu giữ và bảo tồn các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Như ở Quảng Ngãi, địa phương đang giao Sở KH-CN và Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi gen giống quế mẹ bản địa huyện Trà Bồng.

Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hiện đơn vị đang tiến hành lựa chọn 200 cây quế mẹ trội ở xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng) để đặt định vị xác định tọa độ từng cây bảo tồn, phục hồi gen. Lâu dài, dự án này sẽ tạo quỹ giống từ 200 cây quế mẹ trên, để đáp ứng nhu cầu người dân và nhân rộng các khu rừng quế bản địa Trà Bồng.

Tin cùng chuyên mục