Đề xuất điều chỉnh những điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong lĩnh vực xăng dầu

Tại báo cáo “Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương và đề xuất, kiến nghị”, nhóm nghiên cứu cho rằng, đối với thương nhân phân phối xăng dầu, có thể bỏ điều kiện “có kho bể dung tích tối thiểu 2.000m³, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng từ 5 năm trở lên” thay vào đó là yêu cầu khác để phản ánh dự trữ.
Quang cảnh buổi hội thảo ​
Quang cảnh buổi hội thảo ​

Ngày 16-11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo đã công bố báo cáo “Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương và đề xuất, kiến nghị”.

Báo cáo tập trung rà soát, đánh giá và phân tích một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công thương, cụ thể là 5 lĩnh vực, bao gồm: kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương; xuất khẩu gạo; hoạt động thương mại điện tử.

Giải thích về nguyên nhân lựa chọn 5 lĩnh vực của ngành công thương, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, đây là những lĩnh vực không mới, nhưng tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Điển hình là lĩnh vực kinh doanh xăng dầu luôn nhận được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo cũng cho thấy, các điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực Bộ Công thương quản lý hiện vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất (kho, cầu cảng, bể chứa…). Các điều kiện kinh doanh này “có vẻ như giúp sàng lọc các doanh nghiệp có năng lực”. Tuy nhiên, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về các cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…

Nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát, nhận diện những bất cập, những điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương. Từ đó, tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực pha chế xăng dầu, có thể cho phép các thương nhân tận dụng phòng thử nghiệm của nhau (đi kèm các quy định để tránh cạnh tranh không lành mạnh). Đối với thương nhân phân phối xăng dầu, có thể bỏ điều kiện “có kho bể dung tích tối thiểu 2.000m³, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng từ 5 năm trở lên”. Thay vào đó là yêu cầu khác để phản ánh dự trữ.

Đối với thương nhân kinh doanh mua, bán khí, quy định “phải có xe bồn CNG, trạm nén CNG, trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy” có thể xem xét, nới lỏng bằng cách cho phép thuê các xe bồn, trạm nén, trạm cấp với hợp đồng dài hạn.

Tin cùng chuyên mục