Thúc đẩy sản xuất - tiêu thụ nông sản vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

Đề xuất các chính sách và giải pháp thực hiện

Sở Công thương TPHCM phối hợp Trường Đại học Kinh tế TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” để xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” (viết tắt là Đề án). 

Mục tiêu chủ đạo của Đề án là trên cơ sở đánh giá hiện trạng, tiềm năng từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ của vùng sẽ đề xuất phương hướng cải thiện cơ chế quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) và xây dựng thêm một số cơ chế liên kết dọc phù hợp giữa tác nhân sản xuất - chế biến - thương mại - tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm hiện hữu. Đồng thời đề xuất các giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa các tỉnh thành trong vùng theo cơ chế liên kết vùng đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đề xuất các chính sách và giải pháp thực hiện ảnh 1 Nuôi heo cung ứng giống, thịt tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Báo SGGP ghi lại các đề xuất, ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội thảo.

Triển khai xây dựng sàn giao dịch hàng hóa

Hàng hóa đưa vào lưu thông tiêu thụ tại TPHCM vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống. Thương nhân, thương lái có vai trò quyết định và chi phối rất lớn. Thị trường hoạt động mang tính tự phát, tự điều chỉnh và quan trọng nhất là thông tin bị thiếu, không minh bạch, phân tán, cắt khúc. Quản lý nhà nước hoàn toàn không nắm được thông tin một cách chủ động, đầy đủ, kịp thời mà chủ yếu dựa vào hệ thống báo cáo thống kê mang tính hành chính và dự báo. Kết quả là công tác quản lý, kiểm tra, giám sát điều tiết thị trường hoàn toàn bị động, không kịp thời và chủ yếu là những giải pháp tình thế để khắc phục hậu quả cho sự việc đã diễn ra trên thị trường. 

Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa để giúp cho việc giao lưu trao đổi mua bán được công khai, minh bạch và hiện đại với việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin. Việc tổ chức các sàn giao dịch dựa trên một số nguyên tắc sau: Một là, nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý, nguồn lực và giải pháp ban đầu để xây dựng, tổ chức hình thành các sàn giao dịch. 

Hai là, các chủ thể có liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bao gồm: nhà sản xuất, thương lái thu mua, cơ sở chế biến, giết mổ, thương nhân bán sỉ tại các chợ đầu mối, nhà phân phối hiện đại… là những chủ thể chính tham gia giao dịch tại sàn. Mỗi chủ thể sẽ được cơ quan chức năng cấp mã code để giao dịch tại sàn. 

Ba là, các cơ quan quản lý, đơn vị kiểm định chất lượng hàng hóa là bên thứ ba độc lập làm nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, giám định chất lượng hàng hóa làm cơ sở cho các bên giao dịch với nhau qua sàn. 

Bốn là, sàn giao dịch được đầu tư, quản lý và vận hành một cách chuyên nghiệp bởi một doanh nghiệp. DN sẽ hưởng phí giao dịch thành công từ các giao dịch của các chủ thể trên sàn. Nhà nước và các công ty chợ đầu mối là những cổ đông sáng lập chịu trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết ban đầu để thành lập và đưa sàn giao dịch vào hoạt động. DN có thể mở rộng mời các chủ thể tham gia giao dịch trên sàn làm cổ đông của DN. 

Năm là, tất cả thông tin liên quan đến hàng hóa giao dịch, lưu thông mua bán trên thị trường đều được đăng ký, cập nhật, quản lý và theo dõi đầy đủ, công khai, minh bạch. Từng chủ thể tham gia vào quá trình giao dịch sẽ được phân quyền truy cập thông tin theo vai trò, chức năng và nhu cầu của mình. 

Sáu là, việc hình thành sàn giao dịch tập trung chủ yếu vào các chủ thể chính: Nhà sản xuất, nông dân: là người làm ra hàng hóa, được sàn giao dịch cung cấp thông tin đầy đủ để thực hiện quyền quyết định giá bán và lựa chọn người mua hàng. Nhà phân phối, thương nhân: là người tiêu thụ hàng hóa, được sàn cung cấp thông tin đầy đủ để quyền lựa chọn người cung cấp và thương lượng giá mua hàng. Thương lái: không còn là người quyết định và thao túng giá cả như trước nữa. Thương lái là người thực hiện chức năng gom hàng, cung cấp dịch vụ logistics, giao nhận vận chuyển hàng hóa và hưởng chi phí cho công việc này. Cơ quan kiểm định, đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng: là đơn vị kiểm định độc lập thực hiện 2 chức năng chính là xác định phẩm cấp hàng hóa làm cơ sở cho việc giao dịch giữa người bán và người mua; kiểm soát và chỉ cho phép đưa vào thị trường những hàng hóa đạt tiêu chuẩn quy định của TP.

Bảy là, để thúc đẩy việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa, TPHCM cần quy định tất cả hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại thị trường TP qua kênh hiện đại và 3 chợ đầu mối sẽ phải thực hiện mua bán qua sàn giao dịch. Ngoài ra, TP sẽ có chính sách yêu cầu các tổ chức, DN có liên quan (ngân hàng, DN vận tải, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, phương tiện thiết bị…) cùng tham gia hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch và các chủ thể mua bán qua sàn.

Trước mắt, TPHCM và các tỉnh thành trong vùng cần thí điểm xây dựng sàn giao dịch thịt heo làm tiền đề để có thể nhân rộng ra các nhóm hàng, ngành hàng khác.

NGUYỄN NGỌC HÒA - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước, Ban Chủ nhiệm Đề án

“Về khung chính sách, Chính phủ và các bộ ngành cần nghiên cứu mô hình quản lý ATTP quốc gia. Chính phủ nghiên cứu đánh giá mô hình hợp nhất về quản lý ATTP thông qua mô hình thí điểm hợp nhất Ban Quản lý ATTP tại TPHCM để đề xuất chính sách duy trì hoặc phát triển mô hình hợp nhất này ở các tỉnh, thành phố và cấp độ vùng. Thứ hai, Chính phủ nghiên cứu pháp lý hóa cơ chế kiểm soát ATTP ở cấp độ vùng và xây dựng thể chế quản lý ATTP nhà nước cấp vùng. Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính cho hệ thống quản lý ATTP cấp vùng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương sản xuất và TPHCM. Thứ ba, Bộ NN-PTNT nghiên cứu thống nhất tiêu chuẩn VietGAP với quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học áp dụng cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chế biến, tiến tới bắt buộc áp dụng trong cả nước theo lộ trình thích hợp. Sự thiếu thống nhất về tiêu chuẩn sản xuất và sơ chế chế biến hiện nay tạo ra kẽ hở pháp lý là người sản xuất có thể tùy chọn giữa không theo tiêu chuẩn quy chuẩn nào hoặc sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Sự không thống nhất này cũng làm cho các tỉnh thành không liên kết được với nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thứ tư, Bộ NN-PTNT tăng cường quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành và tiêu thụ sản phẩm hóa chất nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong sản xuất và chế biến, cập nhật thường xuyên danh mục hóa chất bị cấm trong sản xuất” - ông Trần Tiến Khai nhấn mạnh.

Cần thêm nhiều chính sách cấp trung ương và cấp vùng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là khu vực phát triển nhất nước, có vai trò, vị trí rất quan trọng, bao gồm nhiều địa phương có trình độ phát triển kinh tế thuộc tốp đầu cả nước như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Đây cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản thực phẩm cho các đô thị lớn trong cả vùng. Từ nhiều năm qua, chính quyền các tỉnh, thành phố của vùng rất quan tâm đến việc tổ chức sản xuất và quản lý ATTP cho nông sản nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Tuy vậy, kết quả mang lại còn rất hạn chế, tình trạng “mạnh ai nấy làm” diễn ra khá phổ biến. 

Để chấm dứt tình trạng này, cần các chính sách tập trung xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường. Chỉ có hàng VietGAP, chuẩn ATTP mới được đưa vào lưu thông. Nói cách khác, việc đầu tiên là xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc. Cách tiếp cận này coi vai trò của thị trường từ phía cầu là tiên quyết và có tính dẫn dắt thị trường cho phía sản xuất từ phía cung. Việc tiếp cận chính sách được đề xuất theo nguyên tắc nhất quán “sản xuất phải an toàn, không an toàn không được sản xuất”. Không chấp nhận tiêu chuẩn kép trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm. Cụ thể, hệ thống pháp luật ATTP phải theo hướng bắt buộc, không nên sử dụng tiếp cận, vận động hoặc khuyến khích. 

Như vậy, tất cả các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, HTX và doanh nghiệp (DN) sản xuất, vận chuyển, chế biến tiêu thụ nông sản thực phẩm bắt buộc phải áp dụng các quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn để sản xuất đạt chuẩn bắt buộc của thị trường TP, kết hợp với bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ cơ sở sản xuất, trang trại, DN nông nghiệp và nông hộ. 

Đối với khung chính sách cấp độ vùng cho các tỉnh thành, thứ nhất cần thống nhất pháp lý hóa và áp dụng nhất quán hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa cho nông sản, trong đó chú trọng chính sách cho phía cầu. 

Thứ hai, xây dựng hệ thống thông tin sản xuất và thương mại nông thủy sản cấp độ vùng, có chính sách hỗ trợ cho cả hai phía cung và cầu. Thường xuyên cập nhật, công bố thông tin dân số, số lượng cầu, lượng cung và giá cả ở tất cả các tỉnh thành liên quan; cung cấp thông tin về tiêu chuẩn ATTP để tăng cường khả năng tự điều tiết cung cầu. 

Thứ ba, xây dựng quy hoạch sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm an toàn là cơ sở cho tổ chức quy hoạch sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và thương mại hàng hóa cho các tỉnh thành. 

Thứ tư, đầu tư phát triển hệ thống logistics chuyên dùng cho ngành nông sản thực phẩm ở cấp vùng, có chính sách cụ thể cho phía cung. Trên nền tảng liên kết vùng và quy hoạch sản xuất cấp độ vùng, các địa phương sản xuất xây dựng đề án đầu tư phát triển các cơ sở logistics nông sản thực phẩm ở địa phương sản xuất, kết hợp với hệ thống công nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại, kho mát, kho lạnh lưu trữ và phương tiện vận chuyển đạt chuẩn. 

Thứ năm, tổ chức thị trường, TPHCM và các tỉnh thành chú trọng phát triển thị trường bán lẻ ở các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng riêng, chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini để gia tăng mức độ tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm an toàn. TPHCM tổ chức lại cơ chế quản lý ATTP tại các chợ đầu mối, áp đặt lộ trình thu mua và phân phối nông sản đạt chuẩn ATTP như áp dụng tại hệ thống phân phối hiện đại. TPHCM xây dựng đề án phát triển các sàn giao dịch hàng hóa, thí điểm sàn giao dịch heo. Các cơ quan quản lý thương mại các tỉnh sản xuất và tiêu thụ phát huy nối kết thị trường giữa nhà sản xuất và nhà thu mua, bán lẻ có áp dụng các tiêu chuẩn ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để hỗ trợ tiêu thụ cho các nhà sản xuất. 

Thứ sáu, tổ chức sản xuất và quản lý ATTP tại nguồn, căn cứ trên các tiêu chuẩn được áp dụng thống nhất, hệ thống thông tin thị trường và quy hoạch sản xuất thương mại nông sản cấp vùng các địa phương xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu đạt quy chuẩn quốc gia về sản xuất an toàn sinh học, tiến tới áp dụng rộng rãi và bắt buộc áp dụng các quy chuẩn quốc gia trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục chính sách khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và kiểm soát chặt chẽ quy trình huấn luyện, chứng nhận VietGAP theo lộ trình chuyển đổi. 

Thứ bảy, tăng cường áp dụng KH-CN cho quản lý ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở KH-CN làm đầu mối triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ATTP sử dụng công nghệ blockchain và ứng dụng cho điện thoại di động, thiết bị máy tính. Cấp mã vùng, mã đơn vị sản xuất cho các đơn vị đạt chuẩn.

TRẦN TIẾN KHAI -Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Ban chủ nhiệm Đề án

Tin cùng chuyên mục