Đề xuất bổ sung dự án Luật Công đoàn sửa đổi vào Chương trình lập pháp năm 2020 ​

Ủy ban về Các vấn đề xã hội đã đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp

Kéo dài trong 3 ngày làm việc từ ngày 2 đến ngày 4-10, phiên họp thứ 15 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội sẽ xem xét hơn 20 nội dung quan trọng, như tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc chuẩn bị Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); cho ý kiến thẩm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới…

Ngày 2-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về Các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 15. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Tại phiên làm việc về nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đề nghị quy định cụ thể các ngành nghề được nghỉ hưu sớm để đảm bảo sức khỏe của người lao động. Về việc tăng giờ làm, ĐB cho rằng chỉ nên tăng ở một số loại hình công việc nhất định, bắt buộc cần thiết phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ; trong khi cần giảm giờ làm đồng loạt cho người lao động. Việc tăng giảm này phải có sự thương thảo, thỏa thuận cho phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, cần đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Người sử dụng lao động có thể quy định thời giờ làm việc theo ngày, theo tuần, tuy nhiên phải có sự thông báo để người lao động chủ động sắp xếp; đồng thời nới lỏng các quy định về dạy nghề, học nghề để tạo điều kiện cho người lao động…

Tán thành việc trình Quốc hội cả hai phương án, nhưng đa số ý thành viên Ủy ban đề nghị Quốc hội ủng hộ việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như phương án Chính phủ trình, bởi đây là nhu cầu thực tế của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, để bảo đảm sự bình đẳng về thời giờ làm việc giữa cán bộ, công chức, viên chức ở khu vực công với người lao động khu vực sản xuất, một số ý kiến cũng đề nghị xem xét quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ bổ sung báo cáo tổng kết thi hành việc thực hiện quy định khuyến khích áp dụng chế độ làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần của Bộ luật hiện hành.

“Tài liệu gửi bổ sung cho thấy, quan điểm của Cơ quan soạn thảo cũng như người sử dụng lao động chưa đồng thuận về việc quy định theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa đồng tình với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Chính phủ đề xuất nên trước mắt, dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sẽ vẫn giữ quy định về thời giờ làm việc bình thường như Bộ luật hiện hành”, ông Lợi thông tin.

Một số vấn đề liên quan về thời giờ nghỉ ngơi, học tập, bồi dưỡng tay nghề của người lao động cũng được đề nghị quy định phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực.

Đáng lưu ý, Ủy ban về Các vấn đề xã hội đã đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tin cùng chuyên mục