Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn

Nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm tại huyện đảo Lý Sơn đang ngày càng cạn kiệt do ngư dân địa phương khai thác gần bờ bằng nhiều phương thức mang tính chất tận diệt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ hải sản của du khách đến đảo Lý Sơn.

Ngày 11-5, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã gửi đề xuất 5 nguồn gen loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh cần được bảo tồn tại huyện đảo Lý Sơn lên UBND huyện Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, 5 nguồn gen gồm hải sâm, bào ngư, trai tai tượng, tôm hùm, các loài rong biển là những nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, dinh dưỡng, y dược cao.

Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn ảnh 1 Hải sâm sống ở tầng đáy, trên lưng có từ 7 đến 9 núm vú, da trơn, thường nằm trong các kẽ đá, hoặc vùi dưới cát, thức ăn là sinh vật phù du. Nhiều loài hải sâm sống được ở độ sâu 80-90m nước. Đánh bắt bằng lặn hoặc dò tìm thủ công. Ảnh: Khu Bảo tồn biển Lý Sơn.

Thực trạng tại huyện đảo Lý Sơn là nguồn tài nguyên hải sản có nguồn gen quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt do ngư dân địa phương khai thác gần bờ bằng nhiều phương thức mang tính chất tận diệt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ hải sản của du khách đến đảo Lý Sơn.

Đảo Lý Sơn với diện tích 10,375km2, hơn 22.000 người dân, mật độ trung bình 2.170 người/km2, người dân chủ yếu làm kinh tế nông-ngư nghiệp.

Trong khi đó những năm gần đây, lượng du khách đến đảo Lý Sơn ngày càng đông, trung bình mỗi ngày có từ 1.000 - 2.000 lượt người tham quan đảo Lý Sơn, những ngày lễ, cuối tuần số lượng đến đảo có thể gần 4.000 - 5.000 người.

Do vậy, nhu cầu bảo tồn nguồn gen quý hiếm như hải sâm, bào ngư, trai tai tượng, tôm hùm để lưu giữ, nhân giống đưa sản xuất phục vụ người dân, du khách là rất cao.

Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn ảnh 2 Bào ngư thường bám vào các vách đá dưới đáy biển, thức ăn gồm loài rong tảo biển, mùn bã hữu cơ. Ảnh: Khu Bảo tồn biển Lý Sơn.
Một số nguồn gen đã được sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển và huyện đảo Lý Sơn tiến hành thu thập, mô tả đặc điểm điển hình, đánh giá được đặc tính quý hiếm, đặc tính duy truyền để lưu giữ một vài loài, còn phần lớn các loài có nguồn gen quý, có giá trị khoa học, dinh dưỡng, y dược vẫn chưa được nghiên cứu, duy truyền để lưu giữ, bảo tồn.

Việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm góp phần phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất, đặc biệt là nguồn gen được sản xuất ở quy mô hàng hóa, nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa đảo Lý Sơn ảnh 3 Bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, vừa phục vụ sản xuất ở quy mô hàng hóa, tạo sản phẩm đặc trưng địa phương huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Khu Bảo tồn biển Lý Sơn.

Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đề xuất bảo tồn 5 nguồn gen của loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng các giải pháp bảo tồn tại chỗ, ứng dụng tạo giống và nuôi thành phẩm trong quy mô hàng hóa địa phương.

Đến năm 2025, thực hiện hoàn thành xác định được thực trạng, giá trị nguồn gen, đánh giá ban đầu ít nhất 25 nguồn gen, tư liệu hóa được ít nhất 25 nguồn gen, xây dựng ít nhất 2 mô hình bảo tồn, đề xuất giải pháp bảo tồn. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện 5 tỷ đồng cho 5 năm.

Vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao với hơn 700 loài động thực vật biển được xác định, trong đó 157 loài san hô, hơn 200 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển…Ngoài ra có 25 loài nằm trong danh mục các loại thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục