Để Việt Nam thêm xanh

Việt Nam là quốc gia rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động thường xuyên và dữ dội của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn bán, lũ lụt và bão diễn biến phức tạp, khó lường đã gây thiệt hại nặng về kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đối tượng trong xã hội. 
Mặc dù sự chuyển đổi kinh tế toàn diện của Việt Nam rất ấn tượng, song những thành tựu kinh tế của Việt Nam cũng đã làm ảnh hưởng đến môi trường. Điển hình là vẫn tồn tại sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống và hủy diệt hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Để có thể giảm nhẹ những tác hại của biến đổi khí hậu lên cuộc sống người dân, Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về việc “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng” (REDD+). Để có thể thực hiện được mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngoài các kế hoạch, giải pháp của Chính phủ thì Chính phủ cũng khuyến khích sự chung tay của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương để càng ngày càng hội tụ, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự chuyển đổi và tiến bộ, đưa Việt Nam đi đầu trong việc quản lý và bảo vệ rừng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. 

Để chung tay góp phần cho Việt Nam thêm xanh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã thành lập “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ năm 2012 với mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các địa phương trên khắp cả nước, nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam. Chương trình tập trung hướng đến các khu vực mà cây xanh đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng như khu dân cư, khu tưởng niệm, khu di tích, khu công cộng, các trường học, khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khi hậu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Gầy đây nhất, “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” đã về với Cà Mau. Tại điểm dừng chân đầu tiên trong năm 2018, đã trồng gần 100.000 cây các loại như đước, phi lao, xà cừ… giá trị khoảng 900 triệu đồng, trồng tại các khu vực như Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, khu vực bờ biển xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển và huyện Cái Nước của tỉnh Cà Mau nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, chống xâm nhập mặn tại địa phương. Tương tự, Công ty Panasonic cũng vừa phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và UBND tỉnh Đồng Nai trồng hơn 25.000 cây xanh tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú. Từ năm 2014 đến nay, Panasonic Việt Nam đã triển khai trồng cây xanh tại 4 tỉnh phía Bắc (Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình), chung tay bảo vệ các di sản UNESCO tại Việt Nam; đồng thời, giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống tái định cư và phát triển bền vững. Năm 2018, chương trình tiếp tục được triển khai với hơn 25.000 cây keo tai tượng và kèn hồng tại khu vực rừng phòng hộ sông Đồng Nai,  góp phần tạo cảnh quan, bóng mát và hạn chế tác động rủi ro của biến đổi khí hậu cho dòng chảy sông Đồng Nai. 

Có thể thấy rằng, cùng với quá trình phát triển kinh tế, xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã phần nào gây nhiều sức ép lên tài nguyên và môi trường Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực, biện pháp của Chính phủ, việc bảo vệ môi trường cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng; trong đó, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng 

Tin cùng chuyên mục