Để vàng thau không lẫn lộn

Có lẽ chưa bao giờ các cuộc đua tranh tìm người đẹp lại trở nên sôi động như lúc này. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, đã có cả chục cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ từ cấp địa phương tới toàn quốc được khởi động. 

Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng là cuộc thi kết thúc sớm nhất vào tháng 3 và trong những ngày này, cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022 (Miss Teen Việt Nam 2022) dành cho các gương mặt thiếu niên có độ tuổi từ 13-19 tuổi cũng đã khởi động…

So với việc chỉ được tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu/năm thì nay số các cuộc thi đã tăng kỷ lục, gấp đến 5 lần và có lẽ chưa dừng lại ở đó. Những lo ngại chuyện “ra ngõ gặp hoa hậu” không phải là không có cơ sở. Sở dĩ có hiện tượng bùng nổ các cuộc thi nhan sắc như vậy một phần do các cuộc thi đã hoạt động lại sau giai đoạn bị hoãn, hủy bởi 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nguyên nhân lớn hơn là do quy định mới của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Nghị định 144/2020/NĐ-CP) được cho là cởi mở hơn với hoạt động này. 
Theo đó, lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) mà chỉ cần UBND tỉnh, TP chấp thuận. Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ… Và đặc biệt là đơn vị tổ chức không còn bị ràng buộc bởi các yêu cầu về năng lực, tài chính, kinh nghiệm… như trước nữa. Nhờ vậy mà giờ đây, cùng với các cuộc thi có uy tín hàng chục năm, đã xuất hiện rất nhiều cái tên mới và cả những cuộc thi cũ ở cấp hoa khôi, nữ hoàng, người đẹp… được nâng cấp lên thành cuộc thi hoa hậu. 
Thực tế, ngay từ khi góp ý xây dựng nghị định và cả khi triển khai nghị định này, cũng đã xuất hiện những nghi ngại về việc từ siết chặt đến “mở toang” liệu có dẫn tới “loạn” thi hoa hậu như đã từng xảy ra trước đây. Nhiều lo lắng việc các cuộc thi sắc đẹp sẽ “mọc lên như nấm sau mưa” với các danh xưng hoa hậu mà không biết họ là ai, đến từ đâu? Các đơn vị, không kể đến việc có năng lực hay yếu kém cũng mượn đà tổ chức thi nhan sắc để trao các danh hiệu, danh xưng. Thực tế, cũng đã có những danh xưng nhan sắc “ao làng” tận dụng các danh hiệu này cho các mục đích cá nhân, thu lợi bất chính, gây bức xúc trong xã hội…
Khi ấy, lãnh đạo cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn đã có ý kiến trấn an rằng các cuộc thi nhan sắc sẽ tuân theo quy luật đào thải của giới giải trí. Rằng nếu cá nhân đạt danh hiệu tạo dư luận xấu, nhất là trong thời đại mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay thì sẽ bị khán giả tẩy chay. Vị lãnh đạo ấy cũng khẳng định, việc nới lỏng này cũng là một cách để các nhà tổ chức cạnh tranh rồi tự sàng lọc để đào thải; rằng sẽ tăng cường hậu kiểm để không xảy ra tiêu cực trong hoạt động này. 
Nghị định này cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là phân cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương - hoạt động tổ chức ở địa phương nào thì thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương đó. Song, đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế, không phải địa phương nào cũng có lực lượng thẩm định chuyên ngành đủ mạnh để đảm đương trách nhiệm này. Có lẽ cũng vì thế mà mới chỉ vài cuộc thi nhan sắc khởi động lại, đã bắt đầu thấy xuất hiện những bất cập, những lùm xùm tranh tụng khi trong những ngày này, cùng với các cáo buộc pháp lý về bản quyền tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình 2022, cũng đã xuất hiện tố cáo về mua bán giải của cuộc thi hoa hậu dành cho các quý bà.
Thi chọn nhan sắc không sai, chẳng xấu mà đó là một nhu cầu tự thân của xã hội. Song để vàng thau không lẫn lộn, để hoạt động mang tính văn hóa, giải trí này không bị lợi dụng, biến tướng… cần phải có ngay các giải pháp hậu kiểm tốt, chế tài pháp lý mạnh.

Tin cùng chuyên mục