Để trẻ an tâm đến trường

Tới trường trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp vốn dĩ đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nhưng đó chưa phải là tất cả khi mà các em học sinh còn phải đối mặt với nhiều vấn đề gây mất an toàn học đường khác. 

Chỉ trong tuần đầu tiên của năm học mới, nhiều sự cố, tai nạn đau lòng đã xảy ra trong môi trường học đường. Cho tới giờ dư luận vẫn còn bàng hoàng, đau xót trước vụ cổng Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đổ sập vào giờ nghỉ trưa đè chết 3 học sinh và làm 3 em khác bị thương nặng. Cũng trong khoảng thời gian này, một học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị lái xe và cô phụ trách bỏ quên trên xe đưa đón, rất may là không xảy ra vụ “Gateway” thứ 2. Mới nhất là 2 vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở 2 trường tiểu học: Tiên Dương (ở Đông Anh, Hà Nội) và Bình Trung Đông (quận 2, TPHCM), đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong môi trường học đường.

Rõ ràng, liên tiếp các sự cố gần đây trong môi trường học đường không chỉ gây nguy hại trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng thế hệ tương lai đất nước mà còn khiến người dân bất an, lo lắng về vấn đề an toàn học đường. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và trẻ vị thành niên trong độ tuổi đi học tử vong do tai nạn, trong đó phần lớn các vụ tai nạn xảy ra ngay ở trường học hoặc trên đường đến trường. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ em là học sinh bị tai nạn, thương tích. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn học đường như: cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp; sự hiếu động, nghịch ngợm của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”; sự chủ quan, buông lỏng trong việc kiểm tra chất lượng trường lớp, thiếu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; môi trường sống học tập không bảo đảm an toàn... Thực tế có rất nhiều lý do khiến môi trường học đường mất an toàn nhưng dù lý do nào chăng nữa thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về những người làm công tác quản lý giáo dục, thầy cô... 

Do vậy, để không xảy ra những sự cố, tai nạn đau lòng trong môi trường học đường, các bộ ngành chức năng cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm lớn hơn của nhà trường. 

Các cấp quản lý cần xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường lớp, tuyệt đối không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, để có môi trường an toàn cả về thể chất và tinh thần cho học sinh thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, trong đó từ nhà quản lý, thầy cô giáo đến phụ huynh, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn môi trường học đường, dành sự quan tâm chu đáo hơn nữa đến học sinh, con em mình, nhất là các em ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, tiểu học vì chỉ một chút lơ là, thiếu sự giám sát và tập trung sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng thương tâm. Hãy cùng nhau hành động để mỗi ngày đến trường của trẻ là một niềm vui, mái trường là ngôi nhà êm ấm thứ hai của trẻ.

Tin cùng chuyên mục