Để TPHCM giữ vững vị thế đầu tàu phát triển

Phát triển trung tâm tài chính, quy hoạch đô thị đáng sống, nâng cao năng lực y tế cộng đồng, đẩy mạnh nông nghiệp đô thị… được xem là những trụ cột giúp TPHCM giữa vững và phát huy vị thế đầu tàu phát triển của cả nước.

Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế một mặt củng cố vai trò vốn có của một trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại trong nền kinh tế Việt Nam, một mặt góp phần khai thác có hiệu quả tiềm lực kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Những năm qua, TPHCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh M&A, các quỹ đầu tư mạo hiểm và kiều hối. Ngoài ra, mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TPHCM hiện vào loại cao nhất cả nước.

Năng suất lao động của TPHCM gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và liên quan như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư…

TPHCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc…. Đây là vị trí chiến lược tạo điều kiện để TP trở thành trung tâm của thị trường tài chính khu vực.

Vì thế, việc xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ thu hút các định chế tài chính quốc tế và đón đầu các dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh có nhiều biến động ở khu vực và trên thế giới thời gian gần đây. Từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển kinh tế TPHCM đã đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do vì nhiều lý do mà mục tiêu phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn chưa như mong muốn. Trong đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Các chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia và chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính.

Hơn thế nữa, vị thế của TPHCM và Việt Nam trên bản đồ các thị trường tài chính trên thế giới còn khiêm tốn. TPHCM vẫn chưa xuất hiện trong bất kỳ bảng xếp hạng thị trường tài chính mạnh nào. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính thế giới nên TPHCM sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, trong khi những trung tâm tài chính cũ đã khẳng định được vị thế trong thời gian dài.

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập. Vì lẽ đó, cần tạo cơ chế riêng và lớn hơn để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính đúng nghĩa, thu hút được nhiều nguồn cung - cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển thương mại, đầu tư vào kinh doanh, tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và quốc tế.

Để vươn đến là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, hệ thống tài chính TPHCM cần được phát triển đồng bộ. Theo đó, tập trung phát triển hệ thống các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; phát triển các dịch vụ tài chính; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính…

TPHCM cần triển khai các kế hoạch chi tiết, cụ thể trong đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của mình. Trong đó, thiết kế các định chế, khung chính sách đầy đủ để tiến hành từng bước. Tạo ra các cơ chế đủ mạnh để thu hút nguồn tài chính từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào thành phố ngày một nhiều, với các giao dịch lớn và hiện đại.

Thành phố cũng cần hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, tài chính - tiền tệ số và tài chính xanh; năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ. Đào tạo nguồn lực đáp ứng được yêu cầu cho một trung tâm tài chính hiện đại, tầm cỡ quốc tế.

Trước mắt, cần định hướng mục tiêu phát triển trung tâm tài chính TPHCM hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia. Bước tiếp theo, hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực.

Với mục tiêu dài hạn, trung tâm tài chính tại TPHCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu. 

Quy hoạch đô thị đáng sống

Mục tiêu cao nhất để TPHCM phát triển phải nhằm đảm bảo chất lượng sống cho toàn thể người dân, tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư của TP. Giữa những bất thường từ dịch bệnh, thiên tai cho đến tình trạng biến đổi khí hậu, ai cũng hiểu rằng, phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Bởi lẽ, phát triển đô thị không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực và duy trì tính bền vững của cả cộng đồng.

Một đô thị thông minh và đáng sống phải thỏa mãn các tiêu chí như: địa điểm chiến lược; kết nối vùng; phân khu và phân kỳ; đa dạng hóa sản phẩm; tạo ra hệ sinh thái; tập trung tiện ích; môi trường thân thiện; vận hành bền vững; gắn kết cộng đồng. Nói cách khác, đó là sự hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội một cách bền vững với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn lên, sống tiện nghi hơn và hạnh phúc hơn.

Thành phố đáng sống phải là nơi mà cá nhân mỗi người đều có thể tìm thấy cho mình một không gian, môi trường sống thích hợp với bản thân mình. Đô thị đó cần phải hấp dẫn, thú vị, an toàn cho những người thuộc các độ tuổi khác nhau chứ không chỉ dành riêng cho những người đến làm việc, kiếm tiền. Đặc biệt quan trọng là trẻ em và người già cần phải được tiếp cận dễ dàng với không gian xanh, có nơi để vui đùa, đi lại, mua sắm, giải trí hoặc gặp gỡ chuyện trò cùng nhau…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và xuất hiện một số khó khăn khác trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn nổi lên là một địa phương phát triển năng động, sáng tạo và có đóng góp quan trọng cho cả nước. GRDP năm 2020 của thành phố tăng 1,39% so với năm 2019, các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 44 tỷ USD, tăng 4%, trong đó Khu công nghệ cao TPHCM có đóng góp lớn, giá trị xuất khẩu đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 20,15%. TPHCM tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước.

TPHCM còn là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao dịch quốc tế, du lịch - dịch vụ - thương mại, đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, của khu vực và quốc tế.

So với các tỉnh, thành khác, chi phí sinh hoạt để duy trì cuộc sống tại đô thị này luôn là bài toán khó, nhưng theo nhiều bạn trẻ đang sống làm việc tại TPHCM, đây vẫn là thành phố dễ sống, nói theo cả nghĩa đen lẫn bóng. Lý do nhiều người vẫn chấp nhận sống ở TPHCM vì đô thị này đảm bảo cho họ cơ hội việc làm và những sự phát triển khác. 

Tuy nhiên, bên cạnh sự khẳng định về những thành tựu quan trọng, vẫn còn một số tồn tại trong quá trình quản lý và phát triển đô thị. Đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và luôn quá tải. Ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý và tính toán kỹ về mặt quy hoạch...

Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường đã đề ra từ lâu và được triển khai bằng nhiều giải pháp, song dường như chưa mang lại kết quả rõ rệt. TP cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện, môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Việc cần làm trong tương lai không chỉ mở rộng ranh giới đô thị, tăng số lượng các khu đô thị mới mà còn là tiếp tục tạo ra cho người dân một không gian sống có thể thích ứng với những thay đổi về lối sống và những biến đổi về kinh tế.

Một đô thị đáng sống chính là nơi mà cơ hội phát triển con người và xã hội, trong đó mọi tầng lớp người dân và gia đình đều tìm thấy cơ hội bình đẳng trong cuộc sống và phát triển tương lai của mình theo khả năng. Vì lẽ đó, đừng quá chú trọng khía cạnh hào nhoáng của các thiết bị thông minh tốn kém mà cần đặt nặng hiệu quả cải thiện đời sống, như thủ tục hành chính qua mạng, quản lý giao thông tự động, quản lý và cảnh báo chống ngập, thu nhập, giá cả tiêu dùng…

TP cần một nỗ lực phát triển dài hạn hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng sống cho toàn thể người dân, tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư. Không nhất thiết phải rập khuôn theo bất cứ một mô hình nào, bởi TPHCM  cần tạo giá trị riêng với bản sắc vốn có. Chẳng hạn là sự thân thiện, tử tế sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia …

Nâng cao năng lực y tế cộng đồng

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại TP HCM giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thu hút được nhân lực về công tác tại các trạm y tế phường xã đang gặp nhiều khó khăn.

Đợt dịch vừa qua cho thấy tầm quan trọng đồng thời bộc lộ nhiều điểm yếu trong nhân lực và chuyên môn của y tế cơ sở. Như tại phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP HCM) có 80.000 dân, nhưng trạm y tế chỉ có 8 biên chế và 2 nhân viên hợp đồng.

Đầu tháng 7-2021, khi cao điểm dịch bùng phát, có ngày trạm phải tiếp nhận hơn 100 ca bệnh; nhân lực của trạm không  thể đáp ứng được yêu cầu truy vết, thăm khám cho người dân. May mà có sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, trang thiết bị kịp thời của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, niềm tin của người bệnh với trạm y tế phường, xã vẫn còn thấp bởi thiếu cán bộ y tế cả về số lượng và chất lượng.

Với quy định từ thông tư 08 năm 2007, biên chế trạm y tế là 5-10 người. Trong thực tế, biên chế này chỉ phù hợp với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số 10.000 -20.000 người. Trong khi đó, TPHCM có nhiều phường, xã, thị trấn quy mô tới 100.000 dân.

Còn theo niên giám thống kê Bộ Y tế năm 2017-2018, số cán bộ y tế phường, xã trên 10.000 dân của TPHCM chỉ đạt 2,3; thấp hơn khoảng 3 lần so với bình quân chung của cả nước là 7,4 và của Hà Nội là 6,1.

Theo PGS.TS  Diệp Bảo Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TPHCM, với bệnh Covid-19, khoảng 80% là bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng, 15% chuyển nặng và 5% vào phải hồi sức tich cực. Nếu hệ thống y tế cơ sở tốt có thể giải quyết đến 80 - 90% số bệnh nhân và nếu tốt hơn nữa có thể giảm được 5% số bệnh nhân nặng.

Trong thực tế, các bác sĩ mới ra trường thường không chọn về tuyến y tế cơ sở vì nếu công tác vài năm trong bệnh viện, giá trị của nhân viên y tế khác hoàn toàn khi làm tại tuyến cơ sở, như kiến thức, thu nhập, trình độ chuyên môn đều tốt hơn. Bên cạnh đó, các thống kê gần đây cho thấy, khối nhân viên y tế chuyên ngành truyền nhiễm và hồi sức truyền nhiễm quá ít ỏi, không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hiện các bác sĩ trẻ rất ít đầu quân cho chuyên ngành truyền nhiễm vì có nhiều lựa chọn khác tốt hơn. Bởi với cùng trình độ, thu nhập của các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm thường thấp hơn chuyên ngành khác nên phát triển nguồn lực gặp nhiều khó khăn.

Một trong những giải pháp giúp TP HCM vượt qua đợt dịch vừa qua là tăng cường nhân sự y tế cơ sở để điều trị cho bệnh nhân ngay từ tuyến thấp nhất, hạn chế tình trạng phải chuyển lên tuyến trên. Do đó, tăng cường y tế cơ sở, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình là xu thế tất yếu mà ngành y tế TP cần phải hướng tới trong tương lai.

Trước hết, cần có chế độ đãi ngộ và sử dụng, phân công các bác sĩ vừa mới tốt nghiệp về làm ở tuyến y tế cơ sở luân phiên 1 - 2 năm. Việc này tạo nhân lực gối đầu, lúc nào y tế cơ sở cũng có những bác sĩ làm được công việc bác sĩ gia đình, cấp cứu. Mặt khác, tạo cơ chế tăng lương để giữ chân bác sĩ.

Đồng thời có cơ chế liên kết với bệnh viện tuyến trên để bác sĩ cơ sở có điều kiện lên tuyến trên học tập, nâng cao tay nghề. Có thể thực hiện luân phiên bác sĩ về cơ sở hoặc có cơ chế lực lượng này vẫn có cơ hội liên kết với tuyến trên, giúp bác sĩ tuyến dưới tiếp cận tuyến trên học tập và trở về phục vụ tuyến dưới.

Đợt dịch vừa qua, việc chuyển hướng điều trị đưa bệnh nhân về điều trị tại tầng 1 và cho theo dõi, điều trị tại nhà là một giải pháp hiệu quả. Vì vậy cần có cơ chế để y tế cơ sở có thể tổ chức được các hoạt động điều trị, thăm khám và huy động được lực lượng y bác sĩ các chuyên ngành điều trị. Củng cố hệ thống y tế: y tế cộng đồng, y tế điều trị và phục hồi sau điều trị. Phát huy hiệu quả mô hình 3 tầng điều trị, trong đó quan tâm đến y tế cơ sở.

Với đô thị đặc biệt như TPHCM, việc tổ chức bộ máy biên chế cơ chế chính sách cho y tế cơ sở, quan tâm đến y tế dự phòng, y tế cộng đồng rõ ràng chưa đầu tư đúng mức, dẫn đến bất cập. Bên cạnh đó, hoạt động của trung tâm y tế gắn chặt với hệ thống chính trị; do đó, nên phân trung tâm y tế cho UBND quận, huyện quản lý thay vì sở y tế như hiện nay.

Để tăng cường y tế cơ sở, nên mở ra chính sách chăm sóc người bệnh tại nhà. Bảo hiểm y tế có thể chấp nhận thanh toán chi phí khi nhân viên trạm y tế đến điều trị tại nhà cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bảo hiểm y tế cũng nên thanh toán chi phí trong thời gian bệnh nhân được cấp cứu từ nhà đến khi nhập viện. "Thời gian vàng" cho bệnh nhân là cấp cứu tại chỗ và vận chuyển an toàn đến bệnh viện, thế nhưng chi phí này hiện chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.

Về hoạt động khám chữa bệnh, trạm y tế cần có đủ thuốc, nhất là thuốc cho người mắc bệnh mãn tính, với nguyên tắc trạm y tế phải có đủ thuốc tốt như ở bệnh viện hạng cao nhất. Cùng với đó, mở ra chính sách chăm sóc người bệnh tại nhà, trước tiên là người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, người khó khăn trong việc đi lại...

Cần khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật. Ngoài việc cho khám sức khỏe, khám chữa bệnh ngoài giờ, tiêm ngừa còn có chăm sóc tại nhà, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ về y tế, phòng ngừa dịch bệnh... để nhân sự y tế cơ sở vừa làm tốt nhiệm vụ vừa cải thiện thu nhập. 

Kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở. Mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế.

Phát triển nông nghiệp đô thị bền vững

Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong và ven đô thị, bao gồm việc sản xuất, chế biến và cung ứng cho cư dân đô thị lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh với phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị.

Mô hình này có thể mang lại nguồn sống xanh cho môi trường, đảm bảo sự cân bằng sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại nhiều ích lợi khác. Nông nghiệp đô thị bao gồm: Nông nghiệp nội thị và nông nghiệp ngoại thị với các hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Trong điều kiện quỹ đất đô thị và vùng ven bị hạn chế, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng vật nuôi là vấn đề mang tính tất yếu và cấp bách.

Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng…

Đây được xem là một mô hình có thể góp phần cải thiện nền kinh tế và phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đồng thời là giải pháp tối ưu góp phần cung ứng nguồn nông sản tươi ngon đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của cư dân đô thị.

Nông nghiệp đô thị góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Nông nghiệp đô thị có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới…cho sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng việc làm giảm ô nhiễm môi trường.

Điều này thật sự có ý nghĩa trong việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nông nghiệp là ngành sản xuất tiêu hao một lượng nước rất lớn. Tuy nhiên, với nông nghiệp đô thị bằng cách tái sử dụng nguồn nước thải, nó có thể cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nông nghiệp đô thị là tái tạo chất dinh dưỡng cho đất thông qua tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ các hoạt động của đô thị và góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Phát triển “đô thị sinh thái” hay “đô thị xanh” là những cụm từ đang trở nên phổ biến tại các diễn đàn về phát triển đô thị hiện nay. Sản xuất nông nghiệp đô thị môt mặt vừa đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, mặt khác nó cũng chính là một hình thức lao động, giải trí góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho cư dân đô thị.

Tuy nông nghiệp TPHCM chỉ chiếm khoảng 1% GRDP toàn thành phố nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của thành phố, đồng thời 1% đó về mặt giá trị tuyệt đối là không nhỏ.

Do đó, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn thì phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ và xu hướng tất yếu và cần phải thực hiện ngay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, toàn TP đang có khoảng 114.000ha diện tích đất nông nghiệp, tuy nhiên mỗi năm đang giảm khoảng 500ha do quá trình đô thị hóa. Diện tích đất thu hẹp đòi hỏi người nông dân phải chuyển hướng sang hình thức nông nghiệp đô thị phù hợp.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi khá khó khăn do vướng mắc khi xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi Đề án số 3680 được UBND TPHCM ban hành ngày 25-9-2020, trong đó hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác, người dân tại 3 huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè đã chính thức được hướng dẫn để lập hồ sơ dự án, xin thủ tục, cấp phép cho việc xây nhà màng, nhà lưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, nhiều nông dân gặp khó trong vấn đề xin giấy phép xây dựng cơ sở, không được xây dựng trên đất nông nghiệp, dẫn đến nhiều khó khăn khác khi tiếp cận nguồn vốn. Nếu duy trì quy mô nhỏ dẫn đến chi phí cao, nhưng mở rộng thì không thể do vướng thủ tục, quy trình. Có nơi chính quyền địa phương có nhiều khoản hỗ trợ cho vay 1-2 tỷ với lãi suất hỗ trợ, nhưng đòi hỏi phải có được giấy phép xây dựng của cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Hơn thế nữa, nhiều hợp tác xã và nông dân trên địa bàn quận Bình Tân và quận 9 - những khu vực ngoài phạm vi thí điểm ban đầu, cũng trông chờ TP sớm tạo điều kiện để thí điểm mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Trong định hướng phát triển thời gian tới, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”.

Vì lẽ đó, hướng đến một nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao với quy mô sản xuất lớn, hiện đại là một tất yếu. Trong điều kiện TPHCM, cần định hướng đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp với nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, nhất là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền. 

Để phát triển nông nghiệp TP theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, TP cần rà soát, bổ sung, sửa đổi để có bộ chính sách hỗ trợ cả về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ cao, chính sách tài chính để khuyến khích kinh tế hợp tác xã phát triển, coi đó là khoản đầu tư hạ tầng cho thành phố, vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, môi trường sinh thái.

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với các hợp tác xã, nhóm hợp tác để tổ chức sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp xanh đô thị tại chỗ, thay vì du nhập bên ngoài không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng… Khắc phục, tháo gỡ những khó khăn mà các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp phải, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đô thị.

Tin cùng chuyên mục