Để thành phố được xanh hóa

Tại TPHCM, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều mảng xanh, hàng loạt cây xanh đô thị đã và đang bị thay dần bởi các tòa nhà thương mại cao tầng. Điều này dẫn đến môi trường sống bị ô nhiễm, gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân.

Theo các chuyên gia, chính quyền TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh nên cần phải có các giải pháp chuyên ngành hơn nữa. Cụ thể, trong quy hoạch phát triển đô thị, cần nghiên cứu quỹ đất dành cho mảng xanh. Chẳng hạn, cần tăng cường cây xanh đường phố để giảm nhiệt bề mặt của khu vực trung tâm đô thị. 

Ghi nhận thực tế tại một số tuyến đường cho thấy, mặc dù là tuyến giao thông chính, rộng rãi nhưng trên nhiều đoạn đường lại không có lấy một cây xanh đúng nghĩa nào. Chẳng hạn như tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ Hàng Xanh hướng về Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh). Ở đây chỉ là những dãy nhà san sát nhau và xen vào đó là những cây cột điện trĩu mình khi gánh quá nhiều đường dây. Hay đường Lương Định Của (quận 2) cũng không có một cây xanh nào. Đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ Phan Đăng Lưu đến Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) cũng tương tự... Một điều dễ nhận thấy nữa, là khi xây dựng, cải tạo vỉa hè, các đơn vị thi công thường phá dỡ bó vỉa gốc cây, làm cây bật gốc, buộc phải đốn hạ khẩn cấp. 

Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”, giảm bức xạ, giảm nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt đất. Cây xanh hấp thụ bức xạ mặt trời để lục diệp hóa, nước bốc hơi từ bề mặt lá hút nhiệt nên cây xanh có tác dụng làm giảm nhiệt độ của môi trường xung quanh. Thế nhưng, để phục vụ cho đô thị hóa, nhiều cây xanh của thành phố đã và đang dần bị biến mất! 

Các chuyên gia môi trường đã chứng minh rằng, việc đô thị hóa quá nhanh cùng với việc cây xanh, mảng xanh bị bức tử là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đảo nhiệt. Theo TS Dương Thị Thúy Nga, giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, qua phân tích ảnh viễn thám về các dạng thức tài nguyên (rừng, mặt nước, dân cư, thực vật, đất trống khu công nghiệp, đất có mặt nước chuyên dụng, mây…), cảnh báo đưa ra là đang có xu hướng tài nguyên cây xanh bị giảm nhanh, trong khi mật độ dân cư ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân gây ra thời tiết có những diễn biến bất thường và có xu thế ngày càng cực đoan.

Lo ngại hơn là TPHCM đang hình thành các “hòn đảo nhiệt độ”, có nhiều thời điểm mức độ đảo nhiệt tăng hơn 50oC. Thành phố hiện đang dựa quá nhiều vào phân tích từ các trạm quan trắc để lấy các thông tin về nhiệt độ, mà nếu chỉ phụ thuộc vào phân tích này thì chưa nhìn được chi tiết, chính xác. Chẳng hạn, giữa huyện Cần Giờ và quận 1 đương nhiên sẽ có khác nhau, đó là hạn chế của các số liệu lấy trị số trung bình từ các trạm quan trắc nêu trên.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thành phố đang bước vào giai đoạn 2 trong việc thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy, đó là làm cho thành phố xanh sau khi đã sạch, bằng việc khuyến khích các hộ dân trồng cây xanh trong chậu, để trước cổng nhà hoặc trên sân thượng. Tiếp đến thành phố sẽ tiến hành kiểm tra các công trình công cộng như các khu dân cư mới, khu chung cư... xem chủ đầu tư có cam kết đầu tư mảng xanh như đã báo cáo trong kế hoạch hay không? Từ đó sẽ có những giải pháp tiếp theo để làm tăng diện tích mảng xanh cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục