Để tài sản ảo, tiền ảo thành “hiện thực”

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo các bộ: Tài chính, Tư pháp, TT-TT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới gắn với cơ quan chủ trì và thời gian thực hiện cụ thể nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Vào ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1255 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Đề án hướng tới mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật. 

Còn trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt ngày 15-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), với thời gian thực hiện là năm 2021-2023.

Như vậy, dù đã có những chỉ đạo, chuẩn bị khá sớm, nhưng cho đến nay, vấn đề tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vẫn chưa có quy định pháp lý rõ ràng ở Việt Nam. Sự chậm trễ ảnh hướng khá lớn đến thị trường phát triển công nghệ mới ở Việt Nam, nhất là các dịch vụ, sản phẩm game liên quan đến công nghệ blockchain…, nên không phải ngẫu nhiên, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ mới hoạt động kinh doanh trên nền tảng blockchain của Việt Nam đều thực hiện đăng ký ở nước ngoài, nhất là ở Singapore. Vì họ đăng ký hoạt động ở Việt Nam thì không có cơ chế pháp lý thừa nhận, hay bảo hộ cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến tiền ảo và tài sản ảo.

Thực tế cho thấy, hàng loạt đồng tiền ảo, hay còn gọi là tiền mã hóa đã trở nên phổ biến, có sàn giao dịch riêng, vốn hóa hàng chục tỷ USD, được xem như một “thang đo kinh tế” hàng ngày, như giá dầu mỏ, giá vàng, giá USD. Cùng với đó, thị trường tài sản ảo, nhất là NFT (Non-fungible token) có giá trị thương mại tăng hàng tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu… Đó là xu hướng tất yếu của quá trình số hóa cũng như sự phát triển của công nghệ mới. 

Còn tại Việt Nam, với tiền ảo và tài sản ảo thì chưa rõ ràng, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chậm quá, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội phát triển trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc sớm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo là điều hết sức cần thiết và nó cũng đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghệ và xã hội, hạn chế các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trong lĩnh vực này; đồng thời, không gây ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục