Đề phòng hỏa hoạn với nhà khóa trái cửa

Hỏa hoạn bùng lên trong những ngôi nhà, cơ sở kinh doanh khóa trái cửa thường gây thiệt hại nghiêm trọng do mất lợi thế “giờ vàng” trong công tác chữa cháy. Chính vì vậy, việc kiểm tra cẩn thận các nguồn lửa, nguồn nhiệt trước khi khóa trái cửa là việc làm rất cần thiết.
Sau khi phá khóa, cảnh sát đã kịp thời dập lửa tại ki ốt trong chợ Nhị Thiên Đường
Sau khi phá khóa, cảnh sát đã kịp thời dập lửa tại ki ốt trong chợ Nhị Thiên Đường

Khi “giặc lửa” có cánh cửa bảo vệ

Mới đây, hơn 18 giờ ngày 13-10, một ngọn lửa bắt đầu nhen nhóm trong một garage ô tô trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7). Ngay sau đó, ngọn lửa phát sinh và lan rộng. Khi người dân phát hiện khói cao bốc lên từ garage đã vội vàng hô hoán nhau dập lửa nhưng bất thành, bởi garage ô tô được “bảo vệ” bởi một lớp cửa cuốn khá kiên cố. Lo lắng, nhiều người đã gọi điện đến Tổng đài 114, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) - PC07, Công an TPHCM.

Nhận định vụ cháy diễn biến phức tạp, Trung tâm Thông tin chỉ huy Phòng PC07 đã điều động Đội Chữa cháy - CNCH cùng Đội Cảnh sát PCCC - CNCH Công an quận 7 và Công an quận 4 xuống hiện trường. Lúc này, cửa cuốn garage vẫn còn khóa trái, chưa ai tiếp cận được bên trong. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát đã phối hợp với người dân dùng xe container và phương tiện chuyên dụng để phá cửa. Nhờ vận dụng linh hoạt tình huống phát sinh tại hiện trường, lực lượng cảnh sát PCCC - CNCH đã nhanh chóng dập tắt đám cháy sau 1 giờ tiếp cận.

Được biết, garage ô tô trên do Công ty TNHH Auto Toàn Phát làm chủ. Sau 3 năm “đóng đô” tại đây thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, bên trong khu vực cháy bị khóa trái cửa đã giúp bà hỏa thiêu rụi nhiều tài sản giá trị. Cụ thể, ngọn lửa đã thiêu rụi 3 ô tô, 1 xe máy và nhiều tài sản trong diện tích 70m2 của garage. Cùng ngày, trên địa bàn quận 7 cũng xảy ra một vụ hỏa hoạn tại khu dân cư Jamona (phường Phú Thuận) đã biến 2 ô tô thành phế liệu. Hiện lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân 2 vụ hỏa hoạn trên.

Trước đó , tối 11-10, bà hỏa đã ghé thăm một kiốt khóa trái cửa trong chợ Nhị Thiên Đường (đường Hoàng Minh Đạo, phường 5, quận 8). Mặc dù diện tích kiốt khá nhỏ, khoảng 4m2, nhưng do đang bị khóa cửa nên người dân không thể tiếp cận hiện trường để chữa cháy. Bên trong kiốt lại chứa nhiều giấy tiền, vàng mã (do người dân kinh doanh giấy tiền vàng bạc) đã khiến ngọn lửa có cơ hội bùng lên mạnh mẽ. Ngọn lửa chỉ được khống chế khi lực lượng cảnh sát PCCC- CNCH đến nơi, dùng thiết bị chuyên dụng bẻ khóa, dập lửa.

Một vụ việc đáng lưu ý khác diễn ra lúc sáng 27-9, người dân phát hiện ngọn lửa bùng lên tại một ngôi nhà đang khóa cửa trên đường Nơ Trang Long (phường 7, quận Bình Thạnh) nên đã báo cho lực lượng chức năng địa phương. Khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng đã phải mất thêm thời gian phá khóa mới tiếp cận được hiện trường, dập tắt ngọn lửa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ nhân thuê ngôi nhà này đã về quê tránh dịch Covid-19 nên khóa cửa. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định là do chập điện tủ lạnh.

Kiểm tra cẩn thận trước khi rời nhà

Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ cháy xảy ra bên trong những ngôi nhà, cơ sở kinh doanh khi đang bị khóa trái cửa. Chính những ổ khóa chắc chắn này đã tạo điều kiện cho “giặc lửa” có phương tiện bảo vệ từ đó gây ra cháy lan, cháy lớn. Bởi lẽ, thiệt hại của hỏa hoạn phụ thuộc rất lớn vào thời điểm phát hiện và công tác chữa cháy. Nếu kịp thời tiếp cận hiện trường ngay từ ban đầu, khi lửa còn “non” thì việc chữa cháy sẽ dễ dàng, nhanh chóng. Ngược lại, chỉ cần chậm trễ vài phút, lửa sẽ kịp “trưởng thành”, lan rộng và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bắt đầu mở cửa trở lại sau nhiều tháng gồng mình chống dịch Covid-19. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cũng tăng mạnh. Điều đáng nói, sự cố về điện là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vụ hỏa hoạn trên khắp cả nước. Để tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và gia đình, mỗi người cần chú ý kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa vào vận hành.

Bên cạnh tuân thủ nghiêm các quy định PCCC, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó trưởng Phòng PC07 cũng khuyến cáo người dân nên trang bị kiến thức, pháp luật về PCCC để có ý thức trong công tác phòng ngừa. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì phải chủ động, huy động lực lượng sẵn có để tổ chức xử lý ngay. Đây cũng chính là “giờ vàng” trong công tác PCCC để kịp thời cứu người và tài sản trong hỏa hoạn.

Theo đó, để trang bị kiến thức PCCC, người dân có thể tìm hiểu ở các kênh báo, đài, website của Phòng PC07 hoặc của Cục Cảnh sát PCCC - CNCH. Tại đây, người dân có thể dễ dàng tra cứu các thông tin sự cố cháy nổ, kiến thức PCCC, CNCH, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố, quy định pháp luật liên quan đến PCCC… thông qua các bài viết, hình ảnh, video. Đây cũng là một trong những việc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trên hành trình PCCC mà mỗi người dân đều có thể thực hiện được.

Tin cùng chuyên mục