Đề nghị xử hình sự hành vi in lậu sách

Trong số các xuất bản phẩm lậu đang lưu hành trên thị trường, sách giáo dục chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động in lậu sách và phát hành sách lậu vẫn chưa bị phát hiện...

Sáng 20-6, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Chống xuất bản phẩm lậu” nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Quỹ song phương Anh - Việt của Bộ Ngoại giao Anh và Quỹ phòng, chống in - phát hành xuất bản phẩm lậu của NXBGD Việt Nam cùng các đơn vị thành viên.

Đề nghị xử hình sự hành vi in lậu sách ảnh 1 Hội thảo về chống in lậu sách
Triệt phá tận gốc rễ nạn in lậu, sách giả 

Hội thảo là dịp để truyền thông điệp, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm (XBP) lậu. Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của vấn nạn in và phát hành sách lậu dưới các hình thức trong xã hội, để người tiêu dùng “nói không” với XBP lậu, quyết tâm bài trừ XBP lậu…

Theo ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGD Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn nạn XBP lậu lưu hành trái phép trên thị trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn, gây bức xúc không chỉ trong ngành mà còn là bức xúc của các cấp quản lý nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Mới đây, tại tỉnh Bình Định, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Định đã phát hiện, thu giữ số lượng XBP lậu lên tới hơn 72.000 bản và hầu hết số XBP này là sách giáo dục của NXBGD Việt Nam.

Qua thống kê của NXBGD Việt Nam cho thấy sự phức tạp, quy mô lớn của hoạt động in, phát hành XBP lậu hiện nay có quy mô lớn và diễn biến phức tạp. Trong số các XBP lậu đang lưu hành trên thị trường, sách giáo dục chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động in lậu sách và phát hành sách lậu vẫn chưa được phát hiện, vẫn tiếp diễn và họ đang trục lợi bất chấp pháp luật.

Đề nghị xử hình sự hành vi in lậu sách ảnh 2 Khó phân biệt sách thật, sách giả

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống XBP lậu đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn nay. “Vì vậy, việc loại trừ các hành vi in, phát hành XBP lậu là nhiệm vụ không chỉ của các ngành quản lý chức năng cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự góp sức của các chủ sở hữu XBP và của toàn xã hội”, ông Nguyễn Đức Thái nói.

Để đấu tranh có hiệu quả chống XBP lậu, ông Nguyễn Đức Thái cho rằng cần sự phối hợp của nhiều lực lượng, bao gồm các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các lực lượng liên ngành, các NXB, các tổ chức liên quan. “Phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, kiên quyết, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước đẩy lùi XBP lậu”, ông Nguyễn Đức Thái nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thái Hà Books cho hay, Thái Hà Books đã có 12 năm chống sách lậu và không bản quyền. Theo ông, hiện có muôn vàn cách in sách lậu: in sách lậu; xuất bản sách không có bản quyền; chia sẻ file mềm (pdf, scan…) miễn phí; Audio book miễn phí. Số sách của Thái Hà books bị làm lậu là khoảng 150 đầu sách, nổi bật nhất là các cuốn: 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Người nam châm, Chiến thắng con quỷ trong bạn, Đọc vị bất kỳ ai, Nuôi con không phải là cuộc chiến, Tứ thư lãnh đạo, Nhân tố enzyme…

 Tại Hà Nội, sách lậu bày bán công khai ở nhiều nơi như khu Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, đường Láng... Tại TPHCM, sách lậu được bán ở dọc các đường trung tâm như Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Hai, Điện Biên Phủ và một số nhà sách cũ trên đường Trần Huy Liệu...

Đại diện nhiều nhà xuất bản cũng lo âu: nhìn thấy sách giả mà rất đau lòng. Bao công sức để xuất bản được một cuốn sách nhưng nhoằng cái, đã xuất hiện sách in lậu. Vì thế, các nhà xuất bản đều mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp triệt phá tận gốc rễ nạn in lậu, sách giả để “cứu” những tác giả, những đơn vị làm sách, các NXB chân chính ở Việt Nam.

Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam cho rằng, việc tham gia phòng, chống in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường, của chính quyền các địa phương mà cần có sự góp sức chủ động, tích cực của các chủ sở hữu XBP (các NXB, các tác giả) và của toàn xã hội.

Phạt ít, lợi nhuân cao
 Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn sách giả chưa được ngăn chặn là do hệ thống pháp lý hiện chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn, nên đối tượng có nhiều động cơ để thực hiện in lậu sách giáo dục của NXBGD Việt vì lợi nhuận lớn. Đối tượng sẽ chọn những sách nào có tỷ suất lợi nhuận cao để thực hiện hành vi in lậu. Vì thế SGK về cơ bản ít có sách in lậu vì giá thấp, nhưng sách tham khảo in lậu lại rất nhiều, do giá loại sách này không bị nhà nước quản lý giá. Các đối tượng in lậu hiện nay đang tập trung khá mạnh ở mảng sách tiếng Anh, vì sách này có lợi nhuận lớn, giá sách cao.
Đề nghị xử hình sự hành vi in lậu sách ảnh 3 Thông điệp "kêu cứu" của các nhà xuất bản

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt cho rằng, sản xuất, tiêu thụ sách giả sẽ giết chết ngành xuất bản Việt Nam. First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn, nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức.

“Nếu chúng ta cổ suý hay để mặc cho việc in sách giả - thực chất là ăn cắp, tham nhũng trí tuệ của người khác thì tư duy, cách nghĩ đó rất thiếu hiểu biết. Các quốc gia phát triển đều rất tôn trọng bản quyền trí tuệ văn hoá và căm ghét sự giả dối, kiếm tiền bất chính, xem những hành vi đó là quốc nạn thực sự”, ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ. 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) thừa nhận, trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Không chỉ sách của các nhà xuất bản Việt Nam mà còn có sách của các đơn vị xuất bản nước ngoài cũng bị in lậu, phát hành lậu trên thị trường Việt Nam với số lượng không nhỏ.

“Hệ quả của in lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói. 

Nhiều ý kiến đề xuất làm hành vi in lậu sách phải bị xử hình sự, chứ không dừng xử phạt hành chính như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục