Đề nghị tăng ngay 1,8 lần thu nhập đối với công chức

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM, nhận xét thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 không nhiều; vì vậy, ngay từ năm 2019, TPHCM nên tăng ngay mức tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Ngày 2-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do TPHCM quản lý.

Đánh giá cán bộ còn định tính

Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là một trong các đề án, kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thay mặt cơ quan soạn thảo tờ trình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Ngọc Thùy Trang cho biết, thu nhập hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức TP được thực hiện theo quy định chung của cả nước, chưa tương xứng với năng suất lao động, chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt tại đô thị như TPHCM.

Đề nghị tăng ngay 1,8 lần thu nhập đối với công chức ảnh 1 Cán bộ UBND quận 1 (TPHCM, bìa phải) giải quyết hồ sơ cho người dân 
Dự kiến, việc điều chỉnh thu nhập tăng thêm được thực hiện theo lộ trình: năm 2018, tăng tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và 2020 tăng tối đa 1,8 lần.

Đa số các đại biểu trong buổi phản biện đồng tình với việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để tăng thu nhập không trở thành cào bằng.

Theo PGS Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TPHCM, tiêu chí phân loại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức rất định tính. Hiện nay, chưa tính được cán bộ từng bộ phận giải quyết cụ thể hồ sơ là bao nhiêu, làm căn cứ đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức.

Để “chi tiền đúng đối tượng”, ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị, phải có cách đánh giá sát thực tế. Nếu không, với cách đánh giá như hiện nay thì cuối cùng “ai cũng hoàn thành nhiệm vụ”. Như thế thì việc tăng thêm thu nhập lại thành ra “bình quân, cào bằng”.

Góp ý thêm, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, đề nghị TP nên tập trung vào vấn đề cơ chế khuyến khích, làm sao có áp lực, có động cơ làm việc. Người làm được tốt thì phải được thưởng, người làm không tốt thì bị phạt.

Đề nghị tăng ngay mức tối đa 1,8 lần

Cùng góp ý, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM, nhận xét thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 không nhiều; vì vậy, ngay từ năm 2019, TPHCM nên tăng ngay mức tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

“Đây là một đề án đem lại niềm vui cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc. Tại sao cơ hội đang có mà chúng ta không vận dụng, tăng ngay? Tôi kiến nghị tăng mức tối đa 1,8 lần càng sớm càng tốt, nếu điều kiện cho phép thì có thể áp dụng ngay vào năm 2019”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ TPHCM góp ý, dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý; tuy nhiên, trên địa bàn TP có nhiều cán bộ, công chức hưởng lương theo ngành dọc, không phải từ TP. Cụ thể, đó là cán bộ công an, quân đội, tòa án, BHXH…

Theo ông Tuấn, những người này đang làm việc tại TP, cũng đang thực hiện nhiệm vụ ở TP và cũng là cán bộ, công chức; nên rất cần quan tâm, xem xét để các lực lượng này được thụ hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 54.

Thừa nhận việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn nhiều bất cập, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho rằng, trong việc đánh giá, thủ trưởng đơn vị là người sâu sát nhất. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Trung ương, của TP và quán xuyến công việc thực tế của cấp dưới, thủ trưởng sẽ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Vai trò của người thủ trưởng là phải công tâm, công bằng và phải nắm bắt công việc của từng cá nhân và đưa ra đánh giá khách quan nhất.

Tin cùng chuyên mục