Đề nghị tạm giữ nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an khi được yêu cầu

Từ thực trạng 80% nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ và 87,1% trong số đó đã chọn giải pháp im lặng, các ĐBQH tán thành quy định khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết hoặc xử lý vụ việc.

Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 Đề nghị tạm giữ nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an khi được yêu cầu ảnh 1 Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 26-10: Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, ĐB Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đề nghị bỏ nội dung áp dụng hành vi bạo lực gia đình đối với người đã ly hôn, anh chị em người đã ly hôn, vì đã ly hôn thì mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là biện pháp có tính giáo dục, răn đe đối với những đối tượng chưa đến mức xử hình sự. Nhưng ĐB đề nghị bỏ từ “tự nguyện”, đã là giải pháp nhằm giáo dục, răn đe thì không phải là tự nguyện theo kiểu thích thì làm, không thì thôi; nên giao chủ tịch UBND xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định, tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Mặt khác, dự thảo lần này bỏ quy định về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 20 giờ và không quá 4 giờ mỗi ngày… Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Văn Hòa, phải có thời gian quy định thực hiện trong bao lâu.

ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ. Nhưng nếu giao chủ tịch UBND xã ra quyết định lại không phù hợp, vì đó là quyết định hành chính trong khi đó dự thảo nêu là trên cơ sở tự nguyện, do đó cần nghiên cứu thêm…

 Đề nghị tạm giữ nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an khi được yêu cầu ảnh 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi sau phiên họp tại hội trường Diên Hồng chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn một thống kê cho thấy là 80% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ, 68,4% trẻ em trong độ tuổi 1-14 tuổi đã từng bị bạo lực gia đình và các đối tượng khác như người cao tuổi, người khuyết tật… cũng thường là đối tượng của bạo lực gia đình.

“Với tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em thì nên chăng nghiên cứu thành lập quỹ phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút tốt hơn nguồn vốn xã hội hóa cho công tác này và giao cho một cơ quan quản lý”, ĐB Tô Văn Tám phát biểu.

Từ thực trạng 80% nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ và 87,1% trong số đó đã chọn giải pháp im lặng, các ĐBQH tán thành quy định khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết hoặc xử lý vụ việc.

Nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu đến trụ sở và thời gian yêu cầu là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tính từ thời gian người được yêu cầu đến trụ sở công an cấp xã. So với luật hiện hành thì đây là biện pháp mới được bổ sung.

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, để đảm bảo ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình, đề nghị quy định công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an và trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, cần quy định mang tính quyết liệt hơn đối với người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an xã theo yêu cầu của công an xã, theo hướng trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để đưa người được yêu cầu đến trụ sở.

“Điều này thể hiện tính quyết liệt đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình, khi có yêu cầu của công an xã rồi nhưng trốn tránh không đến thì công an xã có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để yêu cầu họ phải đến để đấu tranh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”, ĐB Đại Thắng nêu.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng nói, trong trường hợp thấy cần thiết đề nghị quyết định theo hướng là cơ quan công an cấp xã có quyền yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ hành vi bạo lực gia đình. Nếu người gây bạo lực gia đình không đến thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính khi có những đủ những điều kiện cần thiết và có thể sửa Luật Xử lý phạm hành chính liên quan đến vấn đề này.

 Đề nghị tạm giữ nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an khi được yêu cầu ảnh 3 Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QUANG PHÚC

Giải trình ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm của công an xã khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.

“Biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn ý kiến các ĐBQH”, Bộ trưởng phát biểu.

Về biện pháp hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình (3 biện pháp mới gồm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực; thực hiện phục vụ công việc cộng đồng), qua ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng cho hay cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu thêm. Sẽ theo hướng lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện việc nhiệm vụ phục vụ cộng đồng, vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện.

Tin cùng chuyên mục