Đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn nghiên cứu, sản xuất vaccine

Ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine cũng như công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nếu có khoản vốn vay của WB, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vaccine và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vaccine đáp ứng chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như ứng phó dịch bệnh trong tương lai.

Đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn nghiên cứu, sản xuất vaccine ảnh 1  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, nhưng trước sự xuất hiện của nhiều biến chủng cần có thêm chiến lược vaccine kết hợp chặt chẽ các biện pháp trước đó. Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về nguồn vốn vay cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine là rất quan trọng, Bộ Y tế và WB cần sớm thiết lập các cuộc làm việc, đồng thời có sự phối hợp và thống nhất giữa các bộ ngành để trong thời gian ngắn có thể huy động được nguồn vốn trong các dự án của WB hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam; kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành y tế Việt Nam.

Đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn nghiên cứu, sản xuất vaccine ảnh 2 Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế

Về tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam, Phó Chủ tịch WB khẳng định sẽ thúc đẩy các hãng, nhà sản xuất vaccine cũng như COVAX cung ứng đúng thời hạn đã ký kết; đồng thời cho biết thêm, Chính phủ Hoa Kỳ đang có kế hoạch viện trợ vaccine Pfizer cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Cá nhân bà cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy thảo luận để đảm bảo Việt Nam có trong danh sách được cung ứng vaccine Pfizer.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây là vaccine Spikevax được sản được sản xuất bởi Rovi Pharma Industrial Services, S.A - Tây Ban Nha; Recipharm Monts - Pháp. Như vậy, đến nay đã có 5 loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 gồm: AstraZeneca, Sputnik, Pfizer, Vero Cell và Spikevax.

Chiều 29-6, Bộ Y tế cho biết, 1 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca của Chính phủ Nhật Bản viện trợ dự kiến được chuyển đến Việt Nam vào ngày 1-7 và 8-7. Trước đó, 1 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đầu tiên do Nhật Bản viện trợ đã được chuyển tới nước ta tối 16-6. Sau đó, toàn bộ số vaccine này được chuyển tới TPHCM phục vụ chiến dịch tiêm chủng.

* Tin từ Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết, mới đây Viện Hóa học (thuộc VAST) đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Favipiravir là một loại thuốc kháng virus đã được cấp phép tại Nhật Bản từ năm 2014 để điều trị bệnh cúm. Trên thế giới, hiện Favipiravir đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị Covid-19 đến pha 3, hiệu quả tới 97%.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc tổng hợp loại thuốc này cần qua 7-8 bước phản ứng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học bước đầu đã cải tiến, rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc, chỉ qua 3 bước phản ứng, từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm thấp hơn, phù hợp điều kiện sản xuất ở Việt Nam. 

Chiều tối 29-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 372 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh; 361 ca mắc ghi nhận trong nước, chủ yếu ở TPHCM (155 ca), Bắc Giang (27 ca), Bình Dương (24 ca), Đồng Tháp (22 ca), Tiền Giang (22 ca)… Trong đó, 308 ca được phát hiện trong khu vực cách ly, hoặc đã phong tỏa. 

Tin cùng chuyên mục