Để nghị định sớm đi vào cuộc sống

Nghị định 136/2020/NĐ-CP (Nghị định 136 - có hiệu lực từ ngày 10-1-2021) thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác PCCC. Nghị định 136 có nhiều điểm mới, bổ sung thêm một số loại hình cơ sở vào danh mục quản lý về PCCC, đặc biệt là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được đưa vào diện quản lý của cấp xã. 

Nghị định 136 quy định rõ trách nhiệm cho UBND cấp xã. Cụ thể, tại điểm c, khoản 3 Điều 16 quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ mỗi năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện môi trường nguy hiểm cháy nổ; vi phạm quy định an toàn về PCCC mà có nguy cơ phát sinh cháy nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền với cơ sở thuộc danh mục, phạm vi quản lý…

Công an TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM ban hành các kế hoạch về việc tuyên truyền, triển khai Nghị định 136 trên địa bàn thành phố. Công an thành phố đã phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai Nghị định 136 và các văn bản liên quan đến công tác PCCC bằng nhiều hình thức đến cơ sở.

Đồng thời, từ ngày 7 đến 16-12, UBND TPHCM thành lập 2 đoàn kiểm tra về việc phân công, phân cấp, bàn giao danh mục cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC do UBND cấp xã/phường quản lý (quy định tại Phụ lục IV Nghị định 136). Kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung an toàn PCCC với khu dân cư, hộ gia đình, đơn vị sản xuất kinh doanh. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số đơn vị cấp xã còn chậm trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định 136 tại địa phương. Lãnh đạo một số địa phương còn chưa quan tâm, thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, quản lý nhà nước về PCCC; chưa đôn đốc công an cấp xã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ số cơ sở quản lý PCCC trên địa bàn… 

Tại buổi làm việc với UBND quận 5 về thực trạng an toàn PCCC, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận 5, bày tỏ rằng công tác quản lý nhà nước về PCCC được phân cấp còn gặp khó khăn. Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, quận 5 tập trung phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Thêm vào đó, UBND phường cùng công an phường chưa có cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về PCCC và công an phường chưa có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn về PCCC vì lực lượng này không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ. Do đó, thực tế triển khai, hướng dẫn kiểm tra an toàn các nhiệm vụ liên quan đến PCCC còn nhiều hạn chế…

Để sớm đưa nghị định vào cuộc sống, Công an các cấp trên địa bàn TPHCM đã và đang nỗ lực tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho chủ cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Công an cấp huyện, xã cần chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời khuyến cáo, nhắc nhở khắc phục các tồn tại và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ khi siết chặt kỷ luật và quy định rõ trách nhiệm chính quyền cấp cơ sở, mới nhanh chóng nâng cao hiệu quả PCCC ở cơ sở, góp phần giảm thiểu và chấm dứt các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đau lòng trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục