Đề nghị cung cấp giá thiết bị y tế nhập khẩu, chấn chỉnh cấp chứng nhận thiết bị y tế

Trước nhiều bất cập và sai phạm trong công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua,  Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng chống dịch Covid-19; Ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Đề nghị cung cấp giá thiết bị y tế nhập khẩu, chấn chỉnh cấp chứng nhận thiết bị y tế ảnh 1 Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành chức năng phối hợp, tăng cường quản lý mặt hàng thiết bị y tế

Đề nghị Bộ KH-CN chủ trì phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về hoạt động cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, trong đó có quy định tiêu chuẩn chuyên gia đánh giá phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực trang thiết bị y tế; Xây dựng quy trình cụ thể cho hoạt động đánh giá trực tiếp tại nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, tiêu chí để đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của cơ sở được đánh giá chứng nhận ISO 13485:2016. Đồng thời chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng rà soát, chấn chỉnh hoạt động tiến hành đánh giá, việc cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 13485:2016 của các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn ISO đủ điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp. Tăng cường hậu kiểm về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm

Liên quan tới vấn đề nhân lực, Bộ Y tế đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác thanh tra y tế từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là đối với cơ quan Thanh tra Bộ Y tế do hiện nay lực lượng cán bộ quá ít trong khi phải thực thi nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong thời gian gần đây như công tác phòng, chống dịch Covid-19 hoặc công tác giám định tư pháp/định giá tài sản theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Bộ Công an.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế trong đó có các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đối với sở Y tế các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (công an, quản lý thị trường) tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2. Đồng thời chỉ đạo thanh tra sở Y tế phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.

Tin cùng chuyên mục