Đề nghị con cái cán bộ cũng phải kê khai tài sản

"... thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp mặc dù mới đang ở độ tuổi vị thành niên đã có biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông, mà những tài sản này người dân cũng biết là từ đâu ra", đại biểu Nguyễn Minh Trí (Hà Nội) nói.

Chiều nay 13-6, tiếp tục thảo luận và tranh luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) khiến cả hội trường râm ran khi ông cho rằng, "hiện nay tình trạng tham nhũng đang là vấn đề nóng mà người dân quan tâm; tuy nhiên, thực tế, phần lớn các tài sản tham nhũng thường được cán bộ công chức đem gửi ngân hàng hoặc chuyển sang tên của vợ chồng, con cái, anh chị em, người thân, ruột thịt và đến khi cán bộ, công chức về hưu thì mới gom lại để hợp thức hóa".

Cũng chung quan ngại về đối tượng cần phải kê khai giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Trí (Hà Nội) trong phần tranh luận, cho rằng đối tượng cần phải kê khai, giám sát tài sản khi xây dựng dự luật này là vấn đề mà ông băn khoăn. Bởi như luật cũ quy định thì các đối tượng chưa thành niên không phải kê khai thu nhập và tài sản, trong khi thực tế hiện nay, "có nhiều trường hợp mặc dù mới đang ở độ tuổi vị thành niên đã có biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông, mà những tài sản này người dân cũng biết là từ đâu ra".

Để mục tiêu chống tham nhũng có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Minh Trí cho rằng phải sửa ngay lỗ hổng trong dự luật này theo hướng khi có dư luận về tài sản của quan chức, cán bộ công chức không được minh bạch, có nguồn gốc bất chính mà mang tên của con cái chưa thành niên thì cũng cần phải kê khai, xác minh, giám sát.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị dự thảo luật mới cần có quy định mở rộng đối tượng cần phải kê khai gồm cả người thân, ruột thịt của cán bộ công chức.

“Cần bổ sung quy định những người ruột thịt của cán bộ công chức cũng là đối tượng phải chứng minh tài sản” – đại biểu này lên tiếng và đề nghị công khai minh bạch để mọi người dân có thể giám sát, phát hiện tham nhũng là hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục