Đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa XV tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương ​

Nếu chúng ta cải cách được chính sách tiền lương thì xử lý vấn đề lương được cho cả những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu.
Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VIẾT CHUNG
Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng.

3 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh.

Các thành viên Hội đồng còn lại, gồm: 4 thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 4 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 3 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương (gồm 1 thành viên đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 2 thành viên là đại diện của 2 hiệp hội ngành nghề ở trung ương có sử dụng nhiều lao động); 2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 53 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, trong đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu; rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ; hàng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).

Đồng thời, tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về vấn đề cải cách tiền lương, tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 29-3, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đã đề nghị xem xét chính sách tiền lương của những người nghỉ hưu trước năm 1993.

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, Nghị quyết Trung ương số 27 đã khẳng định phải cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra là trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV nhưng chúng ta chưa làm được, vì chưa có ngân sách và cũng chưa cải tiến được bảo hiểm xã hội.

“Như ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói, những người về hưu trước năm 1993, lương rất thấp. Nếu chúng ta cải cách được chính sách tiền lương thì xử lý vấn đề lương được cho cả những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu. Nhưng rất tiếc chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn với công nhân, viên chức và người lao động, chưa cải cách được chính sách tiền lương”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa XV tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, để đảm bảo tiền lương là điều kiện để thúc đẩy tăng năng suất lao động và tiền lương thể hiện giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, hiện nước ta có 3 mức lương tối thiểu. Ở khu vực nhà nước, tiền lương tối thiểu là 1.490.000/tháng. Trong khu vực quan hệ lao động, tức là khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương tối thiểu quy định theo 4 vùng từ 3.070.000 đồng/tháng - 4.420.000 đồng/tháng cho khu vực thấp nhất và khu vực cao nhất. Đối với nông dân và khu vực nông thôn, chuẩn nghèo đa chiều cho nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, đô thị là 900.000 đồng/người/tháng.

Tin cùng chuyên mục