Đề nghị cân nhắc kỹ việc công bố hết dịch

Do tình hình dịch hiện nay tiếp tục có diễn biến phức tạp tại các nước; có nhiều nguy cơ các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; khi công bố hết dịch sẽ dẫn đến tình trạng lơ là, mất cảnh giác và có thể cản trở phần nào đến khả năng chuẩn bị và ứng phó với dịch, vì vậy cần hết sức cân nhắc trong thời điểm hiện nay.
Thường trực Chính phủ họp ngày 15-5
Thường trực Chính phủ họp ngày 15-5

Ngày 15-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong gần 30 ngày qua, nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, đây là điều đáng mừng. Một số điểm cuối cùng như thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) đã dỡ bỏ cách ly. Người dân trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, nhất là các đô thị lớn. Chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ về phát triển sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép, nhất là hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp. Công tác an sinh xã hội đang triển khai tốt ở các địa phương.

Tại cuộc họp lần này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Hiện con số này rất đông, đề nghị rất nhiều, vì vậy cần có lộ trình, cách làm nào để thực hiện chủ trương nhân văn nhưng phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Thời gian qua, tổng số ca dương tính của Việt Nam tăng nhanh khi nhiều công dân từ nước ngoài trở về nhiễm Covid-19 như có 17 ca từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và mới đây là có 24 ca từ Nga trở về.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh không được chủ quan trước dịch bệnh khi tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp. Vấn đề khôi phục kinh tế vẫn đặt ra rất lớn. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng, không để đứt gãy nền kinh tế. Một số biện pháp đặt ra thời gian qua được triển khai như tạo điều kiện chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý, nhà đầu tư đến Việt Nam trong khi chúng ta có chủ trương đón nhận làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, thế giới ghi nhận trên 4,4 triệu trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, ghi nhận 288 trường hợp mắc Covid-19 (liên tiếp 28 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng).

Về các trường hợp diễn biến nặng, bệnh nhân thứ 91 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, đã đánh giá được mức tổn thương phổi nhờ chụp CT phổi, tổn thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép; thực hiện làm nuôi cấy để khẳng định không còn SARS-CoV-2, khi khẳng định âm tính mới tiến hành chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang triển khai các biện pháp như ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Chưa cho phép nhập cảnh đối với các khách du lịch; đối với các trường hợp xúc tiến đầu tư, chuyên gia, công vụ…, cấp Visa tại Đại sứ quán các nước, không tiến hành cấp Visa tại cửa khẩu.

Khi đăng ký Visa phải thực hiện việc đăng ký địa điểm cách ly theo thu xếp của cơ quan ngoại giao, hoặc đơn vị trên cơ sở được các địa phương chấp nhận. Tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn lối mở trên tất cả các tuyến biên giới đường bộ. Cách ly 14 ngày một cách phù hợp với tất cả các trường hợp nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần theo quy định.

Đối với trường hợp nhập cảnh ngắn ngày thực hiện cách ly phù hợp theo thời gian ở tại Việt Nam, lấy mẫu xét nghiệm, hạn chế tiếp xúc, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang; khi đi công tác phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương. Chúng ta cũng thực hiện nghiêm phòng chống lây nhiễm tại khu cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng. Tăng cường giám sát, phòng bệnh trong nước, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Về vấn đề công bố hết dịch, Ban chỉ đạo cho biết, theo các quyết định của Thủ tướng Chính quy định về điều kiện, trình tự công bố hết dịch thì thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày. Tuy nhiên, các căn cứ pháp lý có thể công bố hoặc không công bố là không trái với các quy định.

Do tình hình dịch hiện nay tiếp tục có diễn biến phức tạp tại các nước; có nhiều nguy cơ các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; khi công bố hết dịch sẽ dẫn đến tình trạng lơ là, mất cảnh giác và có thể cản trở phần nào đến khả năng chuẩn bị và ứng phó với dịch, vì vậy cần hết sức cân nhắc trong thời điểm hiện nay. Và nếu công bố, chỉ nên công bố hết dịch tại cộng đồng.

Ban chỉ đạo cũng phân tích về tác động của việc công bố hết dịch đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội và phòng chống dịch vả về khía cạnh kinh tế,  phòng, chống dịch. Theo đó, về kinh tế, Ban chỉ đạo cho rằng, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, việc hồi phục và phát triển kinh tế Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào sự khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước mà còn của các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp tại 214 quốc gia và vùng lãnh thổ đặc biệt tại các đối tác kinh tế quan trọng. Việc công bố Việt Nam hết dịch cũng không có tác động nhiều tới các hoạt động kinh tế quốc tế. Thời gian gần đây, Mỹ cùng một số quốc gia khác ở Đông Bắc Á, châu  Âu đang tính toán phương án chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một điểm đến rất triển vọng trong việc hấp thụ luồng vốn đầu tư thời gian tới.

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tận dụng được sự dịch chuyển sắp xếp lại chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Ở trong nước, việc công bố hết dịch hay không cũng không ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động kinh tế vì hiện tại chúng ta đã cho phép trở lại hoạt động bình thường hầu hết các lĩnh vực (trừ kinh doanh karaoke, vũ trường, du lịch quốc tế)

Về phòng, chống dịch, mặc dù trong 27 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Do đó, Ban chỉ đạo đề nghị Thủ tướng cân nhắc kỹ việc công bố hết dịch; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài; chỉ đạo Bộ Ngoại giao tính toán kỹ phương án đưa người từ nước ngoài về phù hợp với điều kiện phòng chống dịch trong nước, khả năng cách ly và điều trị; chỉ đạo Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện nghiêm túc việc cách ly tập trung để tránh lây nhiễm trong các khu cách ly; chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh thành tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là trước những kết quả phòng chống dịch đã đạt được; đề nghị Thủ tướng xem xét cho ý kiến với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển kinh tế xã hội gắn với phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục