Đề nghị các bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ ​

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, có khoảng trống trong cơ chế để các bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động, nhằm khai thác hết những tiềm năng lợi thế. ĐB đề nghị các bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật do đơn vị xây dựng và công khai.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Bàn về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, rời bỏ các bệnh viện công, kể cả những bệnh viện lớn, nơi mà biết bao y bác sĩ mong muốn được làm việc, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu: “Rất nhiều người có chung một nhận định rằng, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập”.

Khoảng trống trong cơ chế để các bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, nhiều bất cập hiện nay trong quản lý, vận hành bệnh viện công, bao gồm cả tình trạng y bác sĩ nghỉ việc, xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình.

Kỳ vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ĐB Cường cho biết, qua nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo luật, ông vẫn nhận thấy khoảng trống trong cơ chế để các bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động, nhằm khai thác hết những tiềm năng lợi thế về đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế như yêu cầu của Nghị quyết 19, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đề ra.

ĐB đề nghị nghiên cứu, bổ sung đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này quy định về tự chủ của bệnh viện công theo hướng nêu rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách.

“Cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền năng đi liền với mức độ tự chủ mà cơ sở khám chữa bệnh đạt được”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.

Bên cạnh đó, ĐB đề nghị quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ.

Cụ thể, cơ chế tính đúng, tính đủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ phải dựa vào định mức kinh tế, kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ do Nhà nước quy định. Trong khi đó, các bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật do đơn vị xây dựng và công khai cho tất cả khách hàng và người lao động làm việc tại bệnh viện cùng tham gia giám sát.

Định mức kinh tế, kỹ thuật khám chữa bệnh của cùng một bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh dành cho các đối tượng lựa chọn chỉ khác nhau ở các điều kiện dịch vụ đi kèm cũng như khác nhau về nguồn gốc xuất xứ của thuốc hoặc vật tư trang thiết bị được lựa chọn.

Cùng với đó, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về: tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Không phải chỉ nói “không vì lợi nhuận” là xong

Cùng quan tâm đến tài chính y tế, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo còn chưa cụ thể, đặc biệt trong vấn đề tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hoá, giá dịch vụ y tế… ĐB đề nghị làm rõ chính sách ưu tiên thế nào, nhà đầu tư được những gì. “Không phải chỉ nói không vì lợi nhuận là xong, lợi nhuận chỉ phục vụ công ích là xong”, ĐB nêu quan điểm.

Đề nghị các bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ ​ ảnh 1 ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) 
Để đảm bảo tính logic và chặt chẽ, nên kết cấu các nội dung quy định về tài chính và tài sản thành một chương là tài chính và tài sản của các cơ sở khám chữa bệnh.

Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, các quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong dự thảo chưa rõ ràng, chưa hợp lý. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp được huy động nguồn lực để trực tiếp hành nghề, trong khi chưa quy định rõ về việc đảm bảo điều kiện hành nghề. Các quy định trong dự án luật về nội dung này còn mâu thuẫn. “Có nên thông qua dự án luật tại kỳ họp này không, hay nên tiếp tục thảo luận tại một kỳ họp nữa để bổ sung, hoàn thiện một dự án luật lớn, quan trọng; nhiều chính sách lớn cần đánh giá kỹ tác động như dự luật này”, ĐB Nguyễn Công Long đề xuất.

Đề nghị các bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ ​ ảnh 2 ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định)
Cũng về tự chủ tài chính của các bệnh viện, theo ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện cho thấy có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện công lập. “Cần thiết phải luật hóa một cách minh bạch về cơ chế tự chủ tài chính, vừa để nhân dân, người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động của cơ sở; yên tâm dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh”.

Tin cùng chuyên mục