Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cần được bảo vệ

Dự luật đã hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Quốc hội chiều 25-10: Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội chiều 25-10: Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 25-10, Quốc hội nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sửa đổi.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) cho biết, nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của NTD trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của NTD trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới.

Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cần được bảo vệ ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, chiều 25-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NTD dễ bị tổn thương, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm NTD dễ bị tổn thương tương tự Luật Phòng, chống thiên tai. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Ủy ban đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho NTD bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của NTD. 

Về trách nhiệm bảo vệ thông tin của NTD, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của NTD thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cần được bảo vệ ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC

Đề cập về giải quyết tranh chấp, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và trọng tài…

Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ cách thức giải quyết tranh chấp đối với đối tượng là NTD dễ bị tổn thương. Trong thực tế, nhóm người tiêu dùng này thường là đối tượng yếu thế trong xã hội và thường bị thiệt thòi khi giải quyết tranh chấp, do địa bàn sinh sống ở xa, đi lại khó khăn; bất đồng ngôn ngữ; bị hạn chế do khả năng nhận thức, vận động.

Tin cùng chuyên mục