Để không còn những nỗi đau

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, ngày 5-11, toàn quốc xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 21 người chết, 35 người bị thương. Ngày 6-11, toàn quốc xảy ra 38 vụ TNGT làm 24 người chết, 24 người bị thương. Ngày 7-11, toàn quốc xảy ra 23 vụ TNGT làm 14 người chết, 12 người bị thương... Như vậy, gần như ngày nào cũng xảy ra những vụ TNGT đau lòng.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Hiện nay, TNGT luôn là vấn đề “nóng” được toàn xã hội quan tâm. Hậu quả của TNGT còn gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần và nhiều hệ lụy khác cho gia đình và xã hội. Mỗi ngày trôi qua, lại có thêm những nỗi đau như vậy. Hậu quả sau TNGT, nhẹ thì phương tiện hư hỏng, sây sát tay chân; nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì sau các vụ TNGT xảy ra, người may mắn sống sót thì mang thương tật suốt đời; người không may thì ra đi mãi mãi, để lại khoảng trống không thể bù đắp cho người ở lại. Nỗi đau mất người, mất của khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, thậm chí rơi vào cảnh bi kịch.

Mặc dù, TNGT đã được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Thêm vào đó, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn khá cao. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT và tai nạn tăng giảm bất thường, khó kiểm soát.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT đường bộ trước hết là do ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông quá thấp, từ đó dẫn tới việc điều khiển phương tiện giao thông lấn làn đường, phần đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát, vi phạm quy trình thao tác lái xe. Tình trạng sử dụng rượu, bia, thậm chí là ma túy rồi tham gia giao thông diễn ra phổ biến. Và đâu đó vẫn còn tình trạng mua bán giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng xã hội... Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm đối với người vi phạm còn nhẹ, chưa mang tính răn đe cao.

Để giảm những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra, rất cần hơn sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp và người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác quản lý hoạt động vận tải; đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; tập trung xử lý các “điểm đen” tiềm ẩn TNGT.

Đối với người tham gia giao thông, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật để tự bảo vệ mình và an toàn cho người khác. Chúng ta phải nhận thức được mối nguy hiểm rình rập trên đường khi vi phạm luật giao thông. Tuân thủ các quy định của pháp luật khi điều khiển xe là tự bảo vệ chính mình và những người xung quanh, cũng là thể hiện được văn hóa giao thông của mỗi người và góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT mà Chính phủ đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục