Đê kè ngăn triều để ổn định đời sống người dân

Sạt lở kênh rạch, triều cường gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhằm giải quyết căn cơ, TPHCM đã và đang có nhiều dự án, công trình xây kè nhằm chống sạt lở, ngăn triều cường và thoát nước khu vực trung tâm. Tuy nhiên, dự án vẫn đang chờ mặt bằng để thi công…
Đê kè, cống nhỏ Cầu Kinh, Bà Bướm (quận 7) thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1”
Đê kè, cống nhỏ Cầu Kinh, Bà Bướm (quận 7) thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1”

Xây kè, nạo vét để chống ngập

Trong năm 2018, TPHCM có 7 đợt triều cường lớn. Đợt triều cường đầu tháng 2, đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,71m vượt mức báo động cấp III. Bên cạnh đó, TPHCM có 7 vụ sạt lở ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè và quận 2 đã làm sụp hoàn toàn 2 căn nhà và hư hỏng một phần 2 căn nhà, tổng diện tích đất sạt lở khoảng 12.090m² và 200m kè đá, gây ảnh hưởng đến 13 hộ dân.

Cũng trong năm 2018, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM (PCTT-TKCN), thành phố đã cơ bản giải quyết 7 tuyến đường ngập do mưa; trong đó có các tuyến đường ngập hiện hữu là Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của, Trương Vĩnh Ký và tuyến đường ngập đã xử lý cấp bách trước đây là Tôn Thất Hiệp, An Dương Vương, Hồ Văn Tư.

Nhằm giải quyết tình trạng ngập úng và tiêu thoát nước, TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ 2 quy hoạch tổng thể  là Quy hoạch Tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM số 752/QĐ-TTg và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM số 1547/QĐ-TTg.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TTKN TPHCM, quy hoạch 752/QĐ-TTg hệ thống thoát nước đô thị và nước thải TPHCM với phạm vi dự án có diện tích khoảng 650km²; phục hồi và xây dựng mới các hệ thống công thoát nước, cải tạo hệ thống các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Tham Lương - Bến Cát; nâng cao cốt nền lên +2.0m hoặc sử dụng hệ thống đê bao nhỏ và bơm tiêu đối với các vùng đất thấp. Tuy nhiên, quy hoạch này chưa xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và điều kiện lún nền. Bởi các tuyến cống thoát nước được thiết kế với lượng mưa 92mm và mực nước triều +1.32m.

Do vậy, quy hoạch 1547/QĐ-TTg khống chế được mực nước cao nhất phía thượng lưu các cống lớn, cải thiện khả năng tiêu thoát nước chống ngập úng do mưa của hệ thống các tuyến cống cấp 1 thuộc quy hoạch 752/QĐ-TTg.

Theo Sở NN-PTNT, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng có nhiệm vụ chính là chống ngập do triều và lũ, chia ra 3 vùng kiểm soát chống ngập bao gồm vùng I là toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè và bờ tả sông Vàm Cỏ - Vàm Cỏ Đông; vùng II là ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai phía bờ tả sông Sài Gòn và vùng III là khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp.

Hiện nay, TPHCM đang triển khai dự án: “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1” nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km² với khoảng 6,5 triệu dân. Dự án chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị thông qua hệ thống các trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mua khi có mưa kết hợp với triều cường góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.

Dự án chờ… mặt bằng

Dự kiến cuối tháng 6-2019, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1” hoàn thành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trực, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, cho biết, các dự án thoát nước, dự án chống sạt lở, công trình thủy lợi thi công chưa đạt tiến độ đề ra do gặp khó khăn về nguồn vốn, về công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng, chưa phê duyệt đơn giá đền bù cho một số dự án, dẫn đến tiến độ đầu tư kéo dài. Thêm nữa, vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch; khai thác cát trái phép lòng sông làm thay đổi chế độ dòng chảy của sông, gây mất cân bằng bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch; xả rác xuống sông, kênh, rạch gây tắc nghẽn dòng chảy ảnh hưởng đến tiêu thoát nước. Tạm thời, đối với các công trình chưa bàn giao mặt bằng thi công, yêu cầu địa phương phải thực hiện gia cố các vị trí xung yếu; đối với các công trình, các gói thầu đã được bàn giao mặt bằng thi công, chủ đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra gia cố các vị trí xung yếu.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết năm 2019 sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng phức tạp. Để thực hiện hiệu quả hơn công tác PCTT-TKCN trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đề nghị các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tiếp tục phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc 3 “sẵn sàng” để ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt, các địa phương có tình trạng sạt lở như Nhà Bè, quận 2, Bình Chánh sớm giải phóng mặt bằng để thi công, tránh xảy ra tình trạng sạt lở, gây ảnh hưởng đến nhà dân, đặc biệt không được để thiệt hại về người.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2018, đồng chí Lê Thanh Liêm chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cần nghiên cứu, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành để tham mưu cho UBND TPHCM bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo hướng hiện đại hóa.

Song song đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong việc điều tiết tích nước và xả lũ hợp lý, phòng tránh xảy ra tổ hợp bất lợi triều cường, mưa lớn, nhất là vào thời kỳ cao điểm triều cường để đảm bảo an toàn công trình, vừa giảm thiểu ngập lụt; đồng thời đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, đẩy mặn cho khu vực hạ du.

Tin cùng chuyên mục