Để giảm thiểu thiệt hại từ dịch tả heo châu Phi: Nên áp dụng công nghệ cao vào xử lý dịch bệnh

Chúng ta có thể phát hiện ổ dịch bệnh rất nhanh, kiểm soát được vận chuyển và phương tiện vận chuyển, cơ sở giết mổ, phân phối, nhằm hạn chế mức độ lây lan, khoanh vùng dịch, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất thông qua việc ứng dụng các công nghệ 4.0.
Để giảm thiểu thiệt hại từ dịch tả heo châu Phi: Nên áp dụng công nghệ cao vào xử lý dịch bệnh

“Dịch bệnh thì không chống lại được, nhưng chúng ta có thể phát hiện ổ dịch bệnh rất nhanh, kiểm soát được vận chuyển và phương tiện vận chuyển, cơ sở giết mổ, phân phối, nhằm hạn chế mức độ lây lan, khoanh vùng dịch, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất thông qua việc ứng dụng các công nghệ 4.0. Nếu TPHCM yêu cầu thực hiện, chúng tôi sẽ cung cấp hệ thống miễn phí. Thời gian đưa hệ thống vào hoạt động là sau 2 tuần”, đây là ý kiến của TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM.

Theo TS Đào Hà Trung, bước đầu quan trọng nhất là việc tổ chức cho người nuôi heo đăng ký điện tử. Người nuôi và các trang trại sẽ tải ứng dụng miễn phí về, nhận code bảo mật và tự khai về tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ, tổng đàn heo, số heo chết... Thông tin rất ngắn gọn để người nuôi dễ dàng thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 80% giá heo nếu bị tiêu hủy do nhiễm tả châu Phi. Đây chính là động lực rất quan trọng để người chăn nuôi tự khai báo vì vừa được Nhà nước hỗ trợ kinh tế, vừa được tư vấn xử lý dịch bệnh và hỗ trợ tái đàn…

“Theo kinh nghiệm thực hiện dự án truy xuất của TPHCM, người chăn nuôi chỉ mất vài phút là đăng ký được trên hệ thống bằng điện thoại thông minh. Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1-1-2020 cũng yêu cầu khai báo đàn chăn nuôi. Nếu không ứng dụng công nghệ thì không thể thực hiện được việc khai báo cho 2,5 triệu hộ chăn nuôi và hơn 10.000 trang trại trên cả nước”, ông Đào Hà Trung nói.

Dữ liệu tự khai báo sẽ được các cơ quan nhà nước xác nhận bằng cơ sở dữ liệu đang có hoặc các biện pháp khác như qua mạng lưới thú y, cộng tác viên thú y, cán bộ UBND quận huyện xã, phường, hay đường dây nóng… và thông tin sẽ lưu lại trong hệ thống. Sau đó các thông tin bổ sung cập nhật  bao gồm sử dụng thức ăn gì, vaccine tiêm chủng lúc nào loại nào, vận chuyển, giết mổ ở đâu, bán cho ai… và đặc biệt thông tin heo chết, heo bệnh. Người nuôi phải thực hiện trách nhiệm báo cáo, cập nhật  khi có thay đổi lên hệ thống bằng điện thoại thông minh. Việc thực hiện này còn đơn giản  hơn thao tác bán heo truy xuất  hiện nay. Nó còn có ý nghĩa rất lớn sau dịch bệnh để hỗ trợ tái đàn phát triển chăn nuôi cũng như công tác thống kê.

Các cơ quan như Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) hay Tổng cục Thống kê cũng đã cùng TE-FOOD và tổ chức FAO làm thí điểm việc khai báo đàn chăn nuôi với công nghệ Blockchain (quản lý theo chuỗi, khối) vào năm ngoái tại Việt Nam và đã có những kinh nghiệm quý báu.

Hệ thống TE-FOOD Quản lý đàn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh còn hỗ trợ trao đổi thông tin trực tiếp và ngay lập tức giữa cơ quan quản lý và người chăn nuôi giúp họ yên tâm khi nhận thông tin chính thống và sự hướng dẫn xử lý chuyên nghiệp. Những thông tin ngoài luồng thiếu chính xác gây hoang mang, thiếu khoa học có thể làm thiệt hại không chỉ cho một vài hộ mà cho cả khu vực chăn nuôi.

Trong trường hợp nghi ngờ dịch bệnh, người chăn nuôi gửi báo cáo về heo chết hay heo có biểu hiện bệnh bằng số liệu, tin nhắn và hình chụp  qua ứng dụng TE-FOOD để các cán bộ có trình độ chuyên môn xử lý tức thời. Ngoài ra việc phát hiện dịch bệnh có thể từ trang trại, trên đường vận chuyển, tại cơ sở giết mổ (CSGM) do người dân, người chăn  nuôi, cán bộ thú y, đội ngũ cộng tác viên hay CSGM qua ứng dụng chạy trên smartphone hay qua đường dây nóng.

Với cách làm này, chúng ta có thể phát hiện trên diện rộng nhanh và chính xác ổ dịch nằm ở đâu để xử lý quyết liệt. Thủ tướng đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” nên phải biết nhanh chóng “giặc” ở đâu mà tiêu diệt bằng công nghệ cao với sự hợp tác của hàng triệu người dân. Việc xử lý dịch bệnh nếu có sẽ  ghi nhận cả việc tiêu hủy  heo như số lượng, trọng lượng, phương pháp tiêu hủy… giúp việc hỗ trợ đền bù nhanh chóng, minh bạch, giúp người dân tin tưởng hơn. Hệ thống có thể phân tích dữ liệu cảnh báo hướng phát triển của dịch bệnh, ước đoán  thiệt hại.

Việc quản lý vận chuyển heo và các phương tiện vận chuyển là một trong những mấu chốt chống dịch, do đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra việc phát tán dịch nhanh chóng. Có thể kiểm soát việc vận chuyển hợp lệ không, đi đâu, số heo từ trại nào, giết mổ ở đâu, xe đã khử trùng chưa…

Ngày 4-3-2019 vừa qua, Hội Công nghệ cao TPHCM đã báo cáo tại Liên hiệp Các Hiệp hội Khoa học Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến hỏi đáp, phản biện tích cực. Sau khi xem xét, lãnh đạo của liên hiệp đã có công văn gửi cho Bộ NN-PTNT xem xét ứng dụng hệ thống TE-FOOD trong tình hình khẩn cấp hiện nay.

Chiều ngày 7-3-2019, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp cùng các sở ngành, UBND các huyện, Hiệp hội Chăn nuôi để lắng nghe và trao đổi, phản biện. Các bên tham dự đều thấy những khó khăn và thuận lợi nhưng đều nhất trí đây là giải pháp cần thiết phải thực hiện lúc này. Sở NN-PTNT sẽ trình UBND tỉnh Đồng Nai để có quyết định khẩn cấp.

“Nếu TPHCM áp dụng phần Quản lý đàn và Phòng chống dịch bệnh trong hệ thống TE-FOOD thì vô cùng thuận lợi, không chỉ cho TPHCM mà còn cho tất cả các tỉnh cung cấp heo. Trên cơ sở đang vận hành phần “Truy xuất nguồn gốc” với 19 tỉnh, thành chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn việc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hệ thống không tự giải quyết được vấn đề mà cần sự tham gia  hỗ trợ rất tích cực của cơ quan chức năng và báo đài cùng sự hợp tác của người chăn nuôi trong thời khắc khó khăn này. Hãy mạnh dạn sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ cao như một công cụ hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quản lý bệnh dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, TS Đào Hà Trung khẳng định.

TS Đào Hà Trung cho biết thêm: “Năm 2016, khi TPHCM yêu cầu thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo, chúng tôi đã đề xuất có thêm một  hệ thống quản lý, kiểm soát, phát hiện nhanh các ổ dịch vì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm, tả… trên đàn chăn nuôi. Đến cuối năm 2018, thời điểm dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Trung Quốc, chúng tôi biết chắc chắn Việt Nam sẽ khó tránh khỏi. Công ty đã nghiên cứu và hợp tác với các cộng sự trong nước và nước ngoài, kể cả các chuyên gia ở tổ chức FAO để bắt tay chuẩn bị trường hợp xấu. Sau khi Việt Nam tuyên bố chính thức đã nhiễm dịch, chúng tôi khẩn cấp bay qua Brussels và sau đó là Budapest để bàn với các cộng sự khẩn trương thiết lập hệ thống có thể phục vụ cho  Lào, Campuchia và các nước đang phát triển. Đây là chương trình cộng đồng, chúng tôi sẽ hỗ trợ vận hành hệ thống miễn phí. Các chi phí triển khai khác đối tác thụ hưởng sẽ tự trang trải”.

Tin cùng chuyên mục