Để doanh nghiệp yên tâm


Hiện nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục tăng cao, vượt trên 1.200 ca. Nguồn lây được cơ quan chức năng xác định chủ yếu từ các vùng dịch về Đà Lạt - Lâm Đồng, trong đó không ít là khách du lịch.

Để ứng phó, tỉnh Lâm Đồng quy định, bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tại các cơ sở y tế; còn các trường hợp tiếp xúc gần (F1) phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, các trường hợp F2 phải cách ly tại nhà. Đành rằng đây là một trong những giải pháp để khống chế dịch bệnh hiệu quả, đã được thực hiện ở nhiều địa phương, nhưng quy định này đã vô hình trung “đẩy” nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tới nỗi lo “bị” phong tỏa, nhân viên bị cách ly nếu “lỡ” F0 đến. Nhiều chủ cửa hàng, quán cà phê ở Đà Lạt đã rơi vào tình thế éo le, khi mà F0 chỉ “lướt” qua vài phút nhưng những người tiếp xúc gần phải đi cách ly tập trung, cơ sở bị phong tỏa, phun khử khuẩn để phòng chống dịch. 

Những ngày này, du khách từ các tỉnh, thành lân cận tấp nập kéo về Vũng Tàu vui chơi, tắm biển khiến chủ các nhà hàng, khách sạn rất mừng. Thế nhưng thật bất ngờ, chính quyền ra văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú muốn hoạt động phải có phương án phòng chống dịch được cấp huyện trở lên thẩm định, phê duyệt. Nhiều nhà hàng, khách sạn với quy mô nhỏ… không biết phải xây dựng phương án như thế nào. Hậu quả là quy định này trở thành “sợi dây” trói buộc, không cho các nhà nghỉ, khách sạn được mở cửa hoạt động dù du khách đi đầy đường phố. Thêm “sợi dây” nữa là các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được bán mang về. Và kết quả là thành phố biển Vũng Tàu vắng lặng vì chẳng có mấy người đi du lịch mà chỗ nghỉ ngơi không có, chỗ ăn uống vui chơi bị cấm cửa. 

Ngay cả khi Bộ VH-TT-DL có hướng dẫn về việc mở cửa trở lại một số hoạt động, thì kế hoạch mở cửa du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn nằm trên giấy. Trước vô vàn kiến nghị của các chủ nhà nghỉ, khách sạn, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã gửi văn bản đề nghị chính quyền cho phép hoạt động lưu trú được mở cửa trở lại, nhưng mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ. 

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn, cho biết, DN lo lắng về việc các tiêu chí an toàn mỗi nơi làm một kiểu. Theo ông Sơn, việc đón khách cần một lộ trình cụ thể, rõ ràng để DN thực hiện. Trên thực tế, có những địa phương đi tiên phong, nhiệt tâm kết nối đón du khách, nhưng cũng có một số địa phương siết chặt việc đón khách. “Dịch Covid-19 đã bùng phát nhiều đợt, DN đuối lắm rồi. Nay mở ra đón khách, mai đột ngột có thông báo tạm ngưng thì DN không thể gượng dậy được nữa”, ông Huỳnh Văn Sơn tâm tư. 

Còn ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhận định, thời điểm này nhiều DN tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, điểm đến mới… Kinh phí dành cho xúc tiến không nhỏ, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp, du khách đắn đo cho việc đi du lịch trở lại. “DN đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thì các bộ ngành, địa phương cũng nên chung tay, hỗ trợ hết mình. Cân nhắc kỹ và đồng bộ các tiêu chí chống dịch, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng ra quyết định vội vàng, ảnh hưởng đến việc đưa đón khách”, ông Nguyễn Ngọc An kiến nghị. 

Còn theo các chuyên gia, các địa phương cần loại bỏ tâm lý sợ dịch rồi cấm cản các hoạt động mở cửa trở lại. Tất nhiên, đi kèm với việc mở cửa thì cũng cần đẩy nhanh tiến độ “phủ” vaccine cho người dân tại các địa phương du lịch, tính toán số lượng du khách một cách hợp lý.

Tin cùng chuyên mục