Để doanh nghiệp không e ngại chương trình thí điểm

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không (CHK) bằng ô tô khách sau 2 năm thực hiện. 
Xe buýt hoạt động tuyến Sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH TRÍ
Xe buýt hoạt động tuyến Sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo chương trình, 10 địa phương được phép thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lào Cai và TPHCM. Các CHK được thí điểm gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Liên Khương, Vân Đồn, Phú Quốc và Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 2/10 địa phương đã triển khai thực hiện là TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, với duy nhất một doanh nghiệp tham gia kết nối trung tâm đô thị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với CHK Tân Sơn Nhất.

Mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm khá tốt với khoảng 250.000 lượt hành khách/năm, khảo sát có tới 97% hành khách hài lòng, nhất là với hình thức đặt xe và thanh toán online, Nhà nước thu được thuế 100%…, nhưng kết quả chung của chương trình thí điểm vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Vậy vì sao một dịch vụ được kỳ vọng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và khách du lịch lại không được các địa phương và doanh nghiệp hưởng ứng? 

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chính do đây là loại hình mới, có sự đan xen giữa hình thức xe buýt, xe du lịch và xe tuyến cố định nên việc triển khai, quản lý cần có sự hướng dẫn, phối hợp của nhiều bộ, ngành và địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Bên cạnh đó, chương trình thí điểm cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, lượng hành khách đi đến các CHK đã giảm mạnh nên không thu hút được các doanh nghiệp vận tải.

Hiện Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thí điểm trên tuyến CHK Tân Sơn Nhất và TP Vũng Tàu. Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh, thành phố quyết định việc tổ chức thí điểm với các địa phương còn lại, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp mặn mà hơn với hình thức này thì chưa được đề cập nhiều.

Thực tế cho thấy, việc đi lại giữa sân bay và các trung tâm thành phố, trung tâm du lịch địa phương luôn là mối quan tâm lớn của người dân và khách du lịch. Ở nhiều địa phương, khoảng cách này khá xa, dẫn đến chi phí đi lại của hành khách tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí chuyến đi. Ví dụ, giữa trung tâm Hà Nội và sân bay Nội Bài, nếu gọi xe taxi 2 chiều có giá 500.000 đồng, giữa TP Đà Lạt và sân bay Liên Khương giá 800.000 - 1.000.000 đồng/2 chiều.

Mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực tổ chức các tuyến xe buýt công cộng kết nối với sân bay nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều hành khách vẫn bức xúc vì tình trạng xe dù, tài xế chặt chém, lừa đảo du khách. Do đó, đề án thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến CHK bằng xe ô tô khách có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thuận lợi cho hành khách, góp phần đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần phát triển du lịch…

Vấn đề là Bộ GTVT và các địa phương cần phối hợp có thêm các hình thức phổ biến, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia chương trình. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các chính sách liên quan nhằm quản lý hiệu quả, để doanh nghiệp không còn e ngại chương trình thí điểm.

Tin cùng chuyên mục