Để doanh nghiệp “dấn thân”

Gần một năm trước, tháng 5-2020, khi chủ trì hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, sau khi nêu câu hỏi về tầm nhìn của doanh nghiệp đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa sẽ ủng hộ việc thực hiện thí điểm nhiều cơ chế mới, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, “để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại ngay sau khi dịch được kiểm soát tốt”. 

Một năm sau khi nêu ra vấn đề, Thủ tướng đã tổ chức cuộc “Đối thoại 2045” ngày 6-3 vừa qua, để lắng nghe doanh nghiệp tiếp tục trao đổi về tầm nhìn xa, về kỳ vọng cải cách thể chế… của họ. Và tại đây, một lần nữa, doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ mong muốn có thêm những đổi mới thể chế quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.

Chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ là rất đúng, nhưng chưa đủ, Chủ tịch TPBank kiêm Chủ tịch Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú nhận xét, trong trào lưu phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia hầu hết không thể theo kịp bước tiến đó. Không ngoại lệ, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều chồng chéo, không đồng bộ và trong nhiều trường hợp đã trở thành lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới. Vì vậy, cần có cơ chế thí điểm nhiều cơ chế mới để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. 

Nếu như thời gian qua Chính phủ đặt trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thì những năm tới, trọng tâm phải là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực; xây dựng, phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra đã lâu, nhưng vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng, là ứng xử như thế nào với các mô hình kinh tế mới (Grab, Airbnb…); xa hơn nữa là làm thế nào để có chính sách phù hợp dành cho những mô hình chưa từng có tại thị trường trong nước, chưa có khung pháp lý và chưa có tiền lệ điều hành. Sau một thời gian thí điểm, chính sách hiện nay đối với mô hình kinh tế chia sẻ vẫn chưa nhận được sự đồng tình cao của các chuyên gia và cả các doanh nghiệp. 

Thật dễ hiểu (và công bằng) là nếu muốn doanh nghiệp “dấn thân”, chấp nhận mạo hiểm để có những bước đi táo bạo, có khả năng tạo ra đột phá về tăng trưởng thì Nhà nước cần có “lưới đỡ” để giúp họ phòng tránh và hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. Kinh nghiệm cho thấy, khi thành lập một kế hoạch thí điểm, cần đảm bảo số lượng doanh nghiệp tham gia vừa đủ để đánh giá tác động sâu rộng, nhưng cũng không nên quá nhiều và trùng lặp về mô hình kinh doanh.

Một thuận lợi rất căn bản là việc xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” mới đây đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung). Không có “thượng phương bảo kiếm” này thì cơ chế thử nghiệm cũng sẽ không đủ giúp các công chức nhà nước thắng được nỗi sợ “không phải đầu cũng phải tai”.

Tin cùng chuyên mục