Dè dặt mùa hoa tết

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với giá phân bón liên tục tăng cao, nông dân tại TPHCM, Lâm Đồng đều giảm diện tích trồng hoa kiểng tết. Hầu hết nông dân trồng hoa đã chủ động cắt giảm khoảng 50%, thậm chí cá biệt có nơi giảm đến 70% diện tích trồng hoa.
Nông dân làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) chăm sóc cúc mâm xôi phục vụ thị trường tết 2022 Ảnh: QUỐC AN
Nông dân làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) chăm sóc cúc mâm xôi phục vụ thị trường tết 2022 Ảnh: QUỐC AN

Thích ứng theo tình hình dịch  

Ghi nhận vào ngày 10-12, không khí ở “thủ phủ” mai lớn nhất TPHCM là xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) - nơi trồng tới hơn 500 ha mai, không còn cảnh tấp nập khách đến xem như mọi năm. Vừa tiếp xong 3 đoàn khách, ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi, rầu rĩ cho biết, hiện chỉ có một khách quen ở Trà Vinh chốt đơn hàng 70 cây mai trồng trong chậu, loại từ 1 - 5 triệu đồng/chậu, giảm một nửa so với đơn hàng mà đơn vị này đặt mua năm ngoái.

Ngoài ra, còn một khách mua thử 10 cây mai trồng dưới đất để chuyển ra tỉnh Nam Định, xem thử có sống được với khí hậu miền Bắc hay không mới mua tiếp. Theo ông Lê Hữu Thiện, do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến bất thường nên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, HTX dự tính giảm sản lượng cây mai trồng dưới đất xuống còn 50% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đến ngày lặt lá mai, nếu mọi việc khả quan có thể xem xét tăng thêm khoảng 20% lượng cây.  

Nông dân vườn hoa trên đường Lê Thị Riêng (quận 12, TPHCM) đang tưới cây, chăm sóc cho hoa nền để chuẩn bị cung ứng dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: THANH HẢI

Dù phải giảm sản lượng nhưng HTX Mai vàng Bình Lợi còn may mắn vì vẫn có khách quen tìm đến. Trong khi đó, tại “thủ phủ” mai chậu TP Thủ Đức (TPHCM), hầu hết nông dân vẫn chưa có “rục rịch” gì. Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, nhiều nông dân cho biết, chờ sát tết, đến ngày lặt lá mai mới quyết định được sản lượng.

Không chỉ có mai, nhiều loại hoa khác cũng đang được chủ vườn tính toán giảm sản lượng. Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy với 20 năm trồng hoa nền tại phường Long Bình (TP Thủ Đức) cho hay, mới chỉ có một số bạn hàng đặt hàng nhưng số lượng giảm từ 30-50% so với trước. 

Vườn hoa nền của bà Trần Thị Năm trên đường Lê Thị Riêng (quận 12, TPHCM) cũng giảm diện tích trồng từ 10.000m2 xuống còn dưới 5.000m2. Là đơn vị sản xuất lan nổi tiếng nhưng theo bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi, TPHCM) đến nay đơn vị mới nhận được khoảng 50% đơn hàng so với năm ngoái. 

Người trồng hoa Đà Lạt thận trọng

Dạo quanh một vòng các làng hoa truyền thống tại Đà Lạt, nhiều nông dân cho biết, vụ tết năm nay chỉ canh tác bằng một phần so với mọi năm, chủ yếu để giữ mối hàng quen, không bị đứt gãy. Rất khó để dự báo thị trường hoa tết năm nay nhưng người các làng hoa truyền thống tại Đà Lạt không thể không trồng nên ngay từ khi xuống giống, các nhà vườn đã chủ động liên kết với các cơ sở thu mua và bạn hàng quen thuộc. 

Hơn một tháng trước, gia đình ông Nguyễn Văn Hảo (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) đã xuống giống các loại hoa cúc phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022. Khác với mọi năm, vụ hoa tết năm nay ông chỉ dám đầu tư 60.000 cành hoa cúc (tương đương khoảng 2.000m2) trong tổng diện tích trên 8.000m2. Còn gia đình ông Nguyễn Đức Quân (làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt) sau hai vụ bỏ hoa hồi giữa năm do ảnh hưởng dịch Covid-19, đến giờ chỉ dám đầu tư 50.000 củ lily, giảm 2/3 so với vụ tết mọi năm. Bên cạnh nỗi lo thị trường trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, người trồng hoa tại Đà Lạt hiện đang đối mặt với một khó khăn khác là thiếu lao động phổ thông.

Chăm sóc hoa chậu tại nhà vườn Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Nguyễn Công Sơn (người trồng hoa cúc tại phường 11, TP Đà Lạt) cho biết: “Đợt dịch vừa qua nhiều nhà vườn phải đổ bỏ hoa, bỏ vườn, người lao động không có việc làm nên đã trả phòng trọ về quê hoặc tìm công việc khác. Từ giai đoạn này đến kỳ thu hoạch sẽ cần nhiều lao động nhưng chúng tôi chưa biết tìm ở đâu. Trước mắt tôi phải huy động người trong nhà tăng thời gian làm việc, thay vì 4-5 giờ chiều nghỉ thì nay phải làm thêm một vài tiếng nữa. Tới lúc thu hoạch sẽ cần rất nhiều công vào thời gian ngắn, chúng tôi chưa biết xoay xở thế nào”.

Nhằm giảm thiểu rủi ro trong vụ hoa tết, nhiều cơ sở tại Đà Lạt quyết định chuyển từ trồng hoa cắt cành sang hoa chậu. Bên cạnh các công ty chuyên sản xuất hoa phục vụ xuất khẩu thì các nhà vườn khu vực Lâm Sinh (phường 5) hay chân đèo Mimosa (phường 10, TP Đà Lạt) cũng bắt đầu tăng diện tích hoa chậu. Bà Vũ Thị Hương (phường 5, TP Đà Lạt) cho biết, năm nay gia đình bà dành toàn bộ 3.000m2 để trồng hàng ngàn chậu hoa cẩm tú cầu với giá bán từ 30.000-45.000 đồng/chậu. Gia đình bà đang được nhiều mối hàng tìm đến đặt mua, nhất là tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, không dễ để người trồng hoa chuyển từ hoa cắt cành sang trồng chậu vì chi phí chuyển đổi cao, kỹ thuật canh tác cho từng loại hoa cũng khác nhau và cần có đủ thời gian để thích ứng, trong khi phần lớn người dân chuyên canh tác những loại hoa ổn định từ lâu.

Trên địa bàn TPHCM có khoảng 2.000 vườn hoa kiểng, chủ yếu cung ứng nhóm lan, mai, nhóm hoa nền và nhóm bonsai. Đến thời điểm này, thông tin từ Sở NN-PTNT TPHCM cho thấy, hầu hết nông dân đang dè dặt theo dõi tình hình dịch bệnh để có kế hoạch trồng hoa phù hợp. Nhìn chung, như ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT TPHCM), đánh giá, người trồng hoa đều dự tính giảm diện tích trồng cũng như số lượng cây trồng xuống khoảng 50% so với trước. Mai - do là cây đặc trưng của ngày tết nên có thể giảm ít hơn, khoảng 40%. 

Dù là vụ hoa quan trọng nhất trong năm nhưng theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, các diện tích gieo trồng, chăm sóc hoa Tết Nguyên đán năm 2022 các loại chỉ bằng 70% so với những năm trước, với 745ha. Trong đó, diện tích hoa cúc là 260 ha, hoa hồng 95ha, lay ơn 5ha, hoa lily 30ha, cẩm chướng-salem 200ha và còn lại là một số loại hoa khác. 

Việc này cộng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao…, rất khó đoán định được thị trường giá hoa năm nay sẽ diễn biến như thế nào.

Tin cùng chuyên mục