Để đại hội không có chạy chức

LTS: Từ đầu tháng 11-2019, Thành ủy TPHCM sẽ định kỳ tổ chức gặp gỡ nhân dân để lắng nghe ý kiến, góp ý nhằm góp phần xây dựng TPHCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước. Để thêm kênh tiếp nhận ý kiến của người dân, vào mỗi thứ hai hàng tuần, Báo SGGP mở diễn đàn “TPHCM - Lắng nghe để phát triển”. Bạn đọc có thể gửi các ý kiến, hiến kế về hộp thư: bandoc@sggp.org.vn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 32. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 32. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Đại hội đảng bộ các cấp trong năm 2020 là đại hội không chấp nhận chạy chức, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những người chạy chức”. Đây là một nội dung đáng quan tâm được nêu ra trong Thông báo Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 32, trong bối cảnh hàng loạt cán bộ cấp cao tha hóa, tham nhũng đã bị xử lý. 

Kỳ vọng vào công tác cán bộ

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa XII), đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra con số: từ đầu kỳ khóa XII đến nay có hơn 70 cán bộ cấp cao bị kỷ luật, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị. Trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì những số liệu trên càng cho thấy tầm quan trọng của công tác nhân sự.

Đảng chỉ mạnh khi các chi bộ mạnh. Các chi bộ chỉ mạnh khi có các đảng viên tốt. Từ các đảng viên tốt ấy, chúng ta mới lựa chọn được những đảng viên tiêu biểu để giới thiệu cho cấp ủy các cấp, từ cơ sở cho đến cấp trên cơ sở, cấp địa phương trực thuộc Trung ương và cấp chiến lược. Hơn lúc nào hết, lúc này phải làm tốt công tác nhân sự cho đại hội sắp tới, để chọn lọc được cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ. Nhiệm vụ này đòi hỏi, trong công tác nhân sự sắp tới phải chọn được những cán bộ tiêu biểu và nhất quyết không để lọt những người hư hỏng về đạo đức cách mạng, có biểu hiện tham vọng quyền lực, hoặc có biểu hiện vơ vét, trục lợi vào cấp ủy các cấp, nhất là đối với cấp cao, cấp chiến lược.

Như vậy, trong công tác cán bộ, bên cạnh việc sàng lọc và kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất thì đồng thời phải có cơ chế tuyển dụng, đề bạt công bằng để người có đức, có tài có điều kiện, cơ hội cống hiến cho đất nước.

Đối với yêu cầu chống chạy chức, chạy quyền, Đảng ta đã có những yêu cầu cụ thể, nhất là theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Cụ thể hơn, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Việc ban hành Quy định 205-QĐ/TW càng thể hiện quyết tâm chính trị về công tác cán bộ. 

Lắng nghe dân 

Tại TPHCM, thời gian qua, nhiều cán bộ cao cấp tha hóa, biến chất đã bị xử lý ở nhiều mức độ khác nhau. Chuẩn bị cho công tác đại hội sắp tới, Đảng bộ TPHCM tuyên bố: “Đại hội đảng bộ các cấp trong năm 2020 là đại hội không chấp nhận chạy chức, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những người chạy chức”. Là một người dân, một cán bộ hưu trí, bản thân tôi rất hoan nghênh và đồng tình. Vấn đề là biện pháp thực hiện để quyết tâm và mong muốn ấy thành hiện thực.

Tôi cho rằng, để thực hiện được điều này cần đề cao trách nhiệm của cán bộ, cơ quan làm công tác cán bộ và có hình thức chế tài nghiêm đối với cán bộ, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ khi để sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự. Ngoài ra, ủy ban kiểm tra cấp ủy từng cấp phải chủ động tham mưu, phối hợp ban tổ chức cấp ủy thẩm định nhân sự để phục vụ công tác quy hoạch, lựa chọn nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn; đồng thời kiên quyết tham mưu cấp ủy đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc không quy hoạch, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ có biểu hiện chạy chức, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tham gia ứng cử.

Nhân đây, tôi cũng mong muốn trong tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ phải chú trọng đến sự tín nhiệm của người dân đối với cán bộ. Thông qua sự tham khảo ý kiến, tạo điều kiện cho nhân dân kiểm soát, giám sát hoạt động của cán bộ thì người dân sẽ có đánh giá hữu ích, giúp Đảng và Nhà nước chọn lựa được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Tôi cũng đề nghị TPHCM triển khai hiệu quả việc lấy ý kiến của nhân dân (Kế hoạch 305-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TPHCM sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước - PV) để cơ chế phát huy dân chủ phát huy hiệu quả, góp phần ngăn chặn, phát hiện và loại trừ những phần tử tha hóa không có cơ hội vào hàng ngũ lãnh đạo.

Trong đó, để việc góp ý của người dân hiệu quả thì phải chia sẻ thông tin để “dân biết” mới bàn, mới đóng góp ý kiến. Mặt khác, trong công tác cán bộ cũng cần đẩy mạnh tổ chức thi công khai, minh bạch rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ để những người có đức, có tài có cơ hội cống hiến, đóng góp cho đất nước.

Ngăn chặn nạn chạy chức một cách tuyệt đối là khó khăn, nhưng nếu công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng này. Chúng ta hay đề cập đến “trách nhiệm người đứng đầu”, nhưng thực tế vừa qua khi xảy ra sai phạm trong công tác cán bộ đã có “người đứng đầu” nào bị xử lý đến nơi, đến chốn? Vì thế, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ cần được chú trọng hơn, xử lý nghiêm minh hơn nếu để xảy ra sai phạm, đặc biệt là để xảy ra chạy chức.