Dễ dãi hay quá đà?

Ngày 25-8, trên các trang mạng xã hội lan truyền một clip từ kênh YouTube của chương trình có tên gọi “Date & Kiss” gây phản ứng gay gắt trong dư luận bởi sự phản cảm, thô thiển. 
Người chơi Date & Kiss gây phản ứng gay gắt trong dư luận
Người chơi Date & Kiss gây phản ứng gay gắt trong dư luận

Lời giới thiệu trên kênh ghi rõ, đây là reality show (show thực tế) về chuyện hẹn hò của một nhân vật chính và 2 ứng cử viên (1 nam - 2 nữ hoặc 1 nữ - 2 nam): “Đối tượng là những bạn trẻ độc thân người Việt Nam và cả người nước ngoài. Trong quá trình hẹn hò phải thực hiện các tình huống giả định đang yêu nhau, nên sẽ có tiếp xúc đụng chạm cơ thể. Các nhân vật phải dám thể hiện, mạnh dạn bày tỏ cảm xúc và có đụng chạm thân thể thực sự. Chương trình đề cao cảm xúc cơ thể, ánh mắt theo hướng phương Tây hiện đại nhiều hơn”.

Và đúng theo những lời giới thiệu, qua 2 tập phát sóng đầu tiên, chương trình này lập tức dậy sóng. So với các chương trình truyền hình về hẹn hò đang phát trên truyền hình chỉ dừng lại ở những buổi trò chuyện mai mối, làm quen... Date & Kiss khiến khán giả phải đỏ mặt, thậm chí lắc đầu ngán ngẩm vì các ứng viên tỏ ra quá suồng sã. Cụ thể, trong tập phát sóng đầu tiên, nữ chính được bịt mặt và hôn hai ứng viên ở vòng đầu tiên. Vòng thứ 2, cô gái sẽ lần lượt ôm hôn các chàng trai trong phòng kín, ứng viên còn lại ngồi xem cảnh thân mật này ở một gian phòng khác. Trong đoạn giới thiệu mới nhất còn có cận cảnh màn hôn nhau đắm đuối của một cặp đôi đồng tính nam. Mặc dù đã được gắn mác 18+ nhưng các video sau khi đăng tải đã nhận rất nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình kiểu này cổ súy cho những hành động phản cảm, lố bịch, đi ngược lại với văn hóa Việt. Vừa có trên YouTube từ 3-8, chương trình này đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem. Hiện toàn bộ các video về chương trình này không còn tồn tại nhưng tốc độ lan truyền trên cộng đồng mạng đã ở mức chóng mặt.  

Từ câu chuyện của Date & Kiss đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, thời gian gần đây khi các show truyền hình về hẹn hò bùng nổ, mọi thứ dường như đang mất kiểm soát. So với những Hành trình kết nối trái tim, Bạn muốn hẹn hò, từng nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả, các chương trình lên sóng thời gian gần đây chỉ tập trung làm sao để câu khách. Và trong cuộc cạnh tranh ấy, các đơn vị sản xuất trong nước buộc phải tìm mọi cách mua được những phiên bản hẹn hò mới, kể cả những chương trình từng vướng vào không ít scandal đình đám ở nước ngoài. Vậy nên mới có chuyện mời dàn trai xinh, gái đẹp, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng lên sóng để tuyển người yêu. Lại có show hẹn hò khác, một chàng trai đi tuyển người yêu và có đến 21 ứng viên nữ sáng giá đến thi tuyển, chẳng khác gì chuyện “tuyển tú” trong các bộ phim cổ trang. Nhiều khán giả đặt ra nghi vấn về sự sắp đặt, dàn dựng quá đà để đẩy cao kịch tính câu chuyện với mong muốn duy nhất là thu hút khán giả. 

Thứ hai, liên quan đến việc kiểm duyệt. Với những chương trình lên sóng trên truyền hình ít nhiều trải qua các vòng kiểm duyệt nên những nội dung dung tục, phản cảm đã được giới hạn ở mức tối đa. Tuy nhiên, đã đến lúc các đơn vị sản xuất không nên chỉ vì lợi nhuận để bất chấp tất cả mà cần đặt vào đó cái tâm, sự tử tế. Trong khi đó, để lách luật, Date & Kiss chỉ phát trên YouTube mà không có bất cứ màng lọc nghiêm ngặt nào. Và hệ quả tất yếu, chỉ đến khi chương trình được phát tán chóng mặt và gây bức xúc trong dư luận, các nội dung này mới bị chặn đứng. Không chỉ Date & Kiss mà nhiều nội dung khác, thuộc nhiều thể loại vẫn cứ thoải mái xuất hiện trên trang chia sẻ video trực tuyến này mỗi ngày.

Theo thống kê của một đối tác YouTube tại Việt Nam, mỗi phút trên trang này có 400 giờ video mới. Dù có những quy định nhất định về các nội dung được đăng tải và những nỗ lực để hạn chế các nội dung xấu nhưng cửa ải kiểm duyệt này dường như quá dễ dàng qua mặt. 

Truyền hình thực tế sau các chương trình về hài, âm nhạc, bolero... việc các show hẹn hò bùng nổ đến mức thiếu kiểm soát như tình trạng nêu trên đến lúc cần được các cơ quan quản lý chặt hơn nữa về mặt nội dung. Lỗi không chỉ thuộc về các đơn vị sản xuất; các đài, kênh phát sóng mà phía cơ quan quản lý cũng cần có sự nhập cuộc kịp thời, nhanh nhạy hơn nữa để ngăn chặn những nội dung xấu thâm nhập và hủy hoại văn hóa Việt.

Tin cùng chuyên mục