Để con hát bội làm đào má coi...

Những bức tranh về đề tài hát bội với hình ảnh ông hoàng, bà chúa lộng lẫy trên sân khấu, hay hậu trường nghệ sĩ vẽ mặt sau bức rèm nhung và phút thảnh thơi của người nghệ sĩ sau vai tuồng… được họa sĩ Phạm Rồng (Phạm Vương Quý Đôn, 26 tuổi, sinh viên năm 3 ngành sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM) thực hiện và chia sẻ lên trang cá nhân, nhanh chóng thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm và bình luận.

“Xem hết cả bộ tranh, tôi có thể hình dung được những hoạt động của một đoàn hát bội, chứ xưa giờ chỉ coi hát bội trên sân khấu thôi, không biết cách họ vẽ mặt, tạo hình nhân vật cầu kỳ và công phu như thế”, Hạnh Nguyên (26 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ. 

Để con hát bội làm đào má coi... ảnh 1 Một tác phẩm tranh về hát bội của họa sĩ trẻ Phạm Rồng

“Má ơi đừng đánh con đau. Để con hát bội làm đào má coi” là dự án được thực hiện bởi Phạm Rồng. Chọn Bình Định để đi thực tế, vì nơi đây là cái nôi của nghệ thuật hát bội tuồng cổ, Phạm Rồng mất 2 tháng để tìm hiểu và quan sát đoàn hát. “Sau khi trò chuyện cùng các cô chú, anh chị đạo diễn và nghệ sĩ, may mắn là ai nấy đều rất vui vẻ, không phiền lòng khi đám sinh viên rón rén vào ngồi xem diễn tập. Nhờ đó, tôi đã ghi chép được kha khá tư liệu về đời sống nghệ sĩ và hoạt động nghệ thuật ở đây. Khoảng thời gian đó, vài người bạn cũng gửi thêm tư liệu về đoàn hát bội ở TPHCM”, Phạm Rồng kể.

Chọn hát bội để làm đề tài sáng tác, là hướng đi khó cho họa sĩ trẻ, bởi bộ môn nghệ thuật này đã đi qua thời hoàng kim, vì thế rất kén người xem và yêu thích, nhưng Phạm Rồng vẫn quyết tâm: “Gần đây, tôi có nói chuyện với một người bạn là họa sĩ minh họa chuyên nghiệp ở Slovenia, anh ấy nói rất thích kỹ thuật hội họa thể hiện trong những bức tranh hát bội. Tuy nhiên, về đề tài thì anh ấy không hiểu gì. Điều đó làm tôi khá lo ngại, hát bội chưa phổ biến ở thị trường quốc tế, không được nhiều người biết đến như kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản. Nhiều người ngoại quốc khi nói về Việt Nam, phần lớn không biết đến hát bội. Vì thế, khi tôi vẽ về hát bội và chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều bạn bè nước ngoài của tôi thấy lạ lẫm. Có lúc tôi cũng tự hỏi, liệu mình có đi ngược với xu hướng nghệ thuật quốc tế? Có tự tạo rào cản cho mình không? Tôi nghĩ là có, nhưng nếu không có người làm thì đến bao giờ hát bội của chúng ta mới “vẻ vang”. Đối tượng khán giả đầu tiên của mình không phải là người Việt Nam hay sao, cố gắng để mọi người yêu thích và trân trọng giá trị truyền thống nước nhà thì chúng ta sẽ lan tỏa nó ra quốc tế được thôi”.

Hiện tại, dự án “Má ơi đừng đánh con đau. Để con hát bội làm đào má coi” được Phạm Rồng chia sẻ trên mạng xã hội và trang web cá nhân để lan tỏa bộ môn nghệ thuật truyền thống này tới nhiều bạn trẻ. “Tôi chưa khai thác thương mại từ bộ tranh, nhưng tôi cũng nhận được lời mời hợp tác từ một nhãn hàng nhỏ về thời trang. Tôi thấy vui lắm, vì đây là tín hiệu tốt cho thấy nhiều người còn hoặc bắt đầu quan tâm tới đề tài hát bội”, Phạm Rồng cho biết.

Là một nỗ lực nhỏ của người trẻ với bộ môn nghệ thuật hát bội, sẽ rất khó để nói đến việc khôi phục và phát triển hát bội như thời hoàng kim. Tuy nhiên, khi người trẻ biết quan tâm và lan tỏa những giá trị nghệ thuật truyền thống đó là một tín hiệu đáng mừng.

Tin cùng chuyên mục