Để có thêm nhiều thương hiệu Việt tại châu Âu

Sáng 25-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức tọa đàm xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA sau 2 năm hiệp định này được thực thi và Việt Nam là thành viên. 
Để có thêm nhiều thương hiệu Việt tại châu Âu ảnh 1 Các chuyên gia thảo luận về những giải pháp xây dựng thương hiệu Việt Nam tại châu Âu 
Theo ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, EVFTA đã tạo ra một tiếng vang là khiến những nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế ở châu Âu phải quan tâm hơn đến thị trường và hàng hóa Việt Nam.

Sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 4,29 tỷ Euro sang Pháp, tăng 16% so với năm 2021 và tăng 20% so với năm 2020. “Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ Euro”, ông Sơn nhận định. 
Để có thêm nhiều thương hiệu Việt tại châu Âu ảnh 2 Ông Vũ Anh Sơn tham gia thảo luận qua kênh trực tuyến từ Pháp

Nếu theo đúng kịch bản hiện nay thì tới cuối năm 2022, Việt Nam sẽ vào tốp 20 nhà cung cấp hàng hóa cho Pháp. “Tuy thị phần chỉ có 1%, nhưng chúng ta cũng không nên đặt quá nặng, bởi chỉ có 10 nhà cung cấp có thị phần trên 1% và trong đó chỉ có duy nhất Đức và Trung Quốc có thị phần hai chữ số, lần lượt là 13% và 10%; còn lại đều chỉ có 5%, 7%, 2% và 1% như Việt Nam”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp thông tin.

Ông Sơn cho biết, hiện Việt Nam đang xuất khá nhiều sản phẩm sang Pháp, nhưng có hai nhóm mặt hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ Euro là nhóm hàng giày dép và thiết bị viễn thông (điện thoại); sau đó đến dệt may, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, đồ nội thất, thủy sản và các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa.

Bàn về thị phần của hàng hóa Việt Nam tại thị trường EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nói rằng, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU thì không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại EU mà còn có cơ hội để lan tỏa thương hiệu ra nhiều thị trường khác trên thế giới.
 

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy

Chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng là nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU. Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại EU để phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của các thương vụ Việt Nam ở EU.

“Các doanh nghiệp có thể gửi sản phẩm mẫu chất lượng và phù hợp với thị trường EU tới các thương vụ Việt Nam tại EU để các thương vụ hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá tới các đối tác tại EU”, bà Thủy đề nghị. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Sơn, để xây dựng được thương hiệu thì doanh nghiệp phải chủ động. “Cho đến nay, ngoài Lộc Trời với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, còn lại thì tôi chưa thấy có doanh nghiệp nào chủ động đưa sản phẩm vào hệ thống đại siêu thị là phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ tại châu Âu”, ông Sơn nói, đồng thời nhận định rằng xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào hệ thống đại siêu thị ở châu Âu không phải là câu chuyện cho tất cả doanh nghiệp, mà chỉ dành cho số ít doanh nghiệp có đầy đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có chiến lược phát triển bài bản.

Đồng tình với nhận xét trên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, đến nay chưa có con số thống kê chính thức về số lượng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU “nhưng chắc chắn là rất khiêm tốn” ở thị trường hơn 500 triệu dân này. 

Để phát triển được thương hiệu Việt tại thị trường châu Âu, theo bà Thủy, điểm đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng, đó là nghiên cứu thật kỹ về thị trường EU, xem thị trường này có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần, chứ không phải bán những cái sản phẩm mà chúng ta có.

Một điểm vô cùng quan trọng tiếp theo để quyết định doanh nghiệp có thể thành công trong phát triển thương hiệu tại thị trường EU hay không, đó là phải phát triển được sản phẩm phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường EU. 

Chia sẻ thêm cho khía cạnh này, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường - Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam, cho biết, hiểu được văn hóa tiêu dùng của EU là lợi thế để xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tại châu lục này. 

Bà Đào Thu Trang

Bà Trang dẫn ví dụ, tại Đức cũng như các quốc gia châu Âu, gạo không phải thực phẩm ăn hàng ngày. Tuy nhiên khi sang Đức, bà Trang gặp những bao gạo có đóng gói trọng lượng 10kg, 20kg, thậm chí là 50kg. Do người Đức không ăn gạo nên các doanh nghiệp nếu muốn họ thử sản phẩm của mình thì chỉ nên đóng những gói nhỏ thôi, chẳng hạn như 2kg, 5kg để người Đức dễ mua hơn. 

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, để xuất khẩu sang EU, các sản phẩm của doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn của EU, chứng minh được các tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn xã hội, tiêu chuẩn về phát triển bền vững theo yêu cầu của thị trường này. Đồng thời, có bao bì, nhãn mác thiết kế một cách chuyên nghiệp, tinh tế, phù hợp với các quy định về yêu cầu nhãn mác, bao bì của thị trường và hợp nhãn với người tiêu dùng ở EU. 

Các chuyên gia nêu nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU


“Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU thì cũng cần mang bản sắc của Việt Nam mới giúp cho việc định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường EU được tốt hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu nói. 

Trong quá trình làm việc với các đối tác EU, doanh nghiệp cũng cần “hết sức trung thực”. Cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín với các đối tác nhập khẩu tại EU. Khi đã có uy tín, có thương hiệu thì doanh nghiệp cũng cần lưu ý xây dựng được một bộ nhận diện thương hiệu thực sự chuyên nghiệp cho sản phẩm để tiếp cận thị trường EU, quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam tại thị trường EU để có thể phát triển được lâu dài ở thị trường này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu tâm tìm kiếm những người uy tín ở thị trường EU để họ giúp giới thiệu và lan tỏa những sản phẩm của mình tại thị trường EU. Những người uy tín đó là hệ thống các doanh nhân Việt kiều tại EU. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ lần đầu tìm cách thâm nhập vào thị trường EU, để làm việc được ngay với các nhà nhập khẩu bản địa tại EU không phải là đơn giản.

Song, các doanh nghiệp Việt kiều đã rất hiểu về văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh tại thị trường EU, nên đây là kênh rất tốt để giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào thị trường này.

Tin cùng chuyên mục