Đề cao giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Bộ GD-ĐT vừa phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức tọa đàm để nâng cao hiệu quả công tác đoàn, hội, đội và phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong trường học. Mục tiêu là để triển khai hiệu quả các giải pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. 

Hiện nay, bên cạnh trang bị kiến thức thì giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu về phát triển năng lực học sinh gắn kết mật thiết với nội dung này.

Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, vai trò hoạt động ngoại khóa, của công tác đội, đoàn, phong trào thiếu nhi trong trường học rất quan trọng. Nhưng, công tác này vẫn gặp phải một số khó khăn như: không ít giáo viên, lãnh đạo nhà trường, cán bộ phụ trách đoàn, đội chưa nhận thức đầy đủ, vị trí, vai trò của công tác đoàn, đội trong trường học.

Bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ học sinh chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của hoạt động trải nghiệm công tác đoàn, đội, không muốn cho con, em tham gia nhiều hoạt động này cũng như các hoạt động ngoại khóa… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tiếp bị tạm dừng và phải chuyển sang học online, càng gây ra nhiều khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, ảnh hưởng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các em bị hạn chế cơ hội để trải nghiệm, hoàn thiện các kỹ năng sống của bản thân. 

Ngành giáo dục đặt mục tiêu xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện người học hoàn thiện kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Đó cũng là đích mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới. Muốn vậy, chất lượng của hoạt động đoàn, hội, đội trong nhà trường cần thực sự hấp dẫn hơn, hiệu quả, thiết thực hơn để thu hút nhiều học sinh tham gia.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong nguyên nhân để những trường “hot” thu hút người học đều phần lớn bắt nguồn từ chất lượng hoạt động ngoại khóa, hiệu quả giáo dục kỹ năng sống. Càng có nhiều hoạt động ngoại khóa, nhiều câu lạc bộ phát triển năng lực, phẩm chất người học, trường càng được phụ huynh yêu thích. Bởi, hầu hết các cha mẹ đều kỳ vọng con em mình đến trường không chỉ để thu nạp kiến thức, mà quan trọng là được giáo dục các kỹ năng sống đúng đắn, giúp hoàn thiện nhân cách. 

Một vấn đề quan trọng khác, để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên đạt kết quả cao nhất thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Hiện, một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của cơ sở giáo dục, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” con em cho nhà trường, thầy cô. Do đó, cần phải xác định rõ ràng vai trò của gia đình và gắn chặt hơn trong công tác giáo dục học sinh.

Cùng với đó, phương pháp và công tác phối hợp trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cần thay đổi để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Cần tận dụng công nghệ - vốn là “sức hấp dẫn” với các em - để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục