Để các dòng sông đều khỏe

Ngày 14-3 là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông. Ngày này được quyết định tại hội nghị quốc tế đầu tiên về con người bị ảnh hưởng bởi các con đập, diễn ra vào tháng 3-1997 tại Curitiba, Brazil.

Lý do là đập lớn làm sụt giảm nguồn thu từ thủy hải sản, tăng thêm gánh nặng kinh tế xã hội đối với người dân địa phương. Hơn thế, chúng còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học của các khu rừng, khi các con đập lớn được xây dựng. Tất nhiên, không chỉ có các đập lớn là tác nhân tiêu cực đến môi trường. Để các dòng sông đều chảy, đều mang lại nguồn sống, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn có rất nhiều vấn đề phải quan tâm. 

Việt Nam hiện có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối, tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3. Không chỉ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, mạng lưới sông suối đã tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo cho Việt Nam. Thế nhưng, ở khắp 63 tỉnh, thành, vấn đề ô nhiễm nước luôn nổi cộm, đặc biệt là ở các vùng đô thị và công nghiệp. 

Theo số liệu cập nhật từ Bộ TN-MT, đến nay mới chỉ có 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Trong 326 khu công nghiệp cả nước, có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Tình hình đáng lo ngại hơn đối với các cụm công nghiệp: trong số 587 cụm công nghiệp, chỉ 9,4% có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn nước thải của các gia đình trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung. Ô nhiễm nước đến sức khỏe con người được dự báo đến năm 2035 sẽ làm suy giảm đến 3,5% GDP hàng năm. Bên cạnh đó là tình trạng hút cát trái phép vẫn tiếp diễn nhức nhối, rút ruột lòng sông, gây nên những hiểm họa xói lở, thay đổi dòng chảy...

Quản lý các dòng sông, khó khăn thay, lại không thể là chuyện của một địa phương, thậm chí là một quốc gia. Ở nước ta, các Ủy ban Lưu vực sông vẫn nhóm họp hàng năm để đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp bảo vệ môi trường. Song, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phối hợp giữa các địa phương trong lưu vực sông không phải luôn trôi chảy. Không ít trường hợp “cát tặc”, để tránh bị xử lý, chỉ việc dạt từ địa bàn xã này sang xã khác là… xong! Một mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông phù hợp, đủ quyền lực, nguồn lực và sự đồng thuận của cả cộng đồng dân cư trong lưu vực sông vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện.

Tin cùng chuyên mục