Để bưu chính là nền tảng kinh tế số nông nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia.
Nhân viên Postmart.vn tư vấn cho bà con nông dân ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Nhân viên Postmart.vn tư vấn cho bà con nông dân ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Mục tiêu quan trọng của chiến lược đến năm 2025 là ngành bưu chính sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số và phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược này là hoàn thiện nền tảng “Địa chỉ số Việt Nam” gắn với bản đồ số quốc gia phục vụ cho phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số. Từ đó, sẽ hình thành cổng dữ liệu quốc gia về bưu chính; thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở.

Bên cạnh đó là phát triển các sàn TMĐT của doanh nghiệp bưu chính Việt Nam để các hộ sản xuất nông nghiệp và người dân có thể giao dịch mua bán sản phẩm, hàng hóa trên môi trường số; xây dựng các nền tảng quản lý, vận hành kho bãi, chuyển phát... kết nối giữa chủ hàng, các doanh nghiệp bưu chính và khách hàng. 

Trong năm 2022, 100% hộ gia đình ở Việt Nam sẽ có “địa chỉ số”; phấn đấu 100% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu; phấn đấu 100% sản phẩm giao dịch trên sàn TMĐT do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu phải được gắn thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc…

Đầu năm 2022, Bộ TT-TT đã có kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Cùng với mục tiêu thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn TMĐT Postmart.vn (do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vận hành) và Voso.vn (Tổng Công ty Bưu chính Viettel vận hành), kế hoạch cũng hướng tới đưa 100% sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đáp ứng tiêu chí 3 sao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lên các sàn TMĐT; 100% hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn. Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống... 

Bộ TT-TT cũng nêu rõ định hướng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành liên quan. Đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh cùng các sàn TMĐT để hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, tiểu thương trong khu vực quản lý về các kiến thức cơ bản trong sản xuất và định hướng bán hàng. 

Tính đến cuối tháng 2, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản Postmart.vn và Voso.vn là 5.255.093 hộ; trong đó số tài khoản đã thực hiện mua/bán là 1.125.764 tài khoản; đã đưa 70.755 sản phẩm nông nghiệp trên cả nước đã đưa lên 2 sàn TMĐT nói trên. Việc các công ty bưu chính tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã giúp nông dân giảm đến mức thấp nhất rủi ro “được mùa mất giá”, hay lo ngại bị thương lái ép giá. Quan trọng hơn, người nông dân còn có cơ hội tiếp cận với kênh bán hàng hiện đại mới là TMĐT, qua đó cũng có được kinh nghiệm và kỹ năng để thích nghi dần với nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. 

Theo các chuyên gia, ngành bưu chính Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Đó là khi các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ, các mô hình kinh doanh TMĐT và bán lẻ thế hệ mới bùng nổ sẽ cần đến một hạ tầng chuyển phát rộng khắp để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Trong khi mạng lưới bưu chính hơn 21.600 điểm phục vụ đến tận cấp xã trên khắp cả nước, cùng gần 100.000 lao động có thể đưa hàng hóa đến tiêu thụ tại khắp mọi nơi trên đất nước, cũng như vươn xa trên thế giới, đây là lợi thế không phải lĩnh vực nào cũng có được.

Khi các thiết bị thông minh ngày càng được phổ cập, hạ tầng bưu chính cần trở thành cầu nối hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động TMĐT, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp. Qua đó, ngành bưu chính sẽ mở rộng không gian hoạt động, tạo cơ hội phát triển thành lĩnh vực có quy mô kinh tế lớn, đóng vai trò huyết mạch trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, cũng như trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục