Để an toàn trên không gian mạng

Mới đây, cùng thời điểm hacker rao bán 17GB thông tin cá nhân của người Việt Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an) cũng thông báo triệt phá đường dây mua bán trái phép gần 1.300GB dữ liệu cá nhân. 

Cả 2 vụ việc đều liên quan đến thông tin người dùng như: họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, thông tin tài khoản ngân hàng (bao gồm cả số dư), thân nhân, chức vụ, vị trí công tác… 

Cùng với thông tin cơ sở dữ liệu cá nhân do các cơ quan chức năng nhà nước thu thập thì hiện nay có rất nhiều ứng dụng, dịch vụ buộc người đăng ký phải khai báo nhiều thông tin cá nhân như: dịch vụ viễn thông, tài chính - ngân hàng, điện nước… Đó là chưa kể các đăng ký hoạt động, tài khoản trên không gian mạng hay nhận hàng khuyến mại.

Việc lộ lọt thông tin cá nhân người dùng chắc chắn xuất phát từ nhiều khâu, công đoạn trong quá trình thu thập, lưu giữ của những tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình. Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, Bộ TT-TT), các thông tin này có thể được sử dụng với mục đích thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo...

Do vậy, NCSC khuyến nghị, để không bị đối tượng xấu lợi dụng cần trang bị kiến thức tốt để phòng tránh các tình huống lừa đảo có thể xảy ra. Điều đầu tiên, quan trọng nhất là không cung cấp thông tin cá nhân cho các dịch vụ của các tổ chức chưa được xác nhận, đánh giá tín nhiệm một cách rõ ràng như các hệ thống ứng dụng cho vay, tiền ảo… 

Các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này ở Việt Nam đã khá đầy đủ, kể cả trong Bộ luật Hình sự (Điều 159). Chưa kể, thời gian qua các cơ quan chức năng cũng rất quyết liệt với vấn nạn này. Tuy nhiên, với không gian mạng ngày càng mở, đa dạng, hoạt động “như đời thật” thì chuyện lộ lọt, mua bán trái phép dữ liệu người dùng rất khó tránh khỏi; là thách thức của toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Chính vì vậy, cần xử lý nặng và nghiêm các cá nhân, tổ chức thu thập, mua bán trái phép dữ liệu người dùng để răn đe. Cùng với đó là hoàn thiện các quy định và giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn các nguồn dữ liệu cá nhân hợp pháp. Quan trọng hơn cả, mỗi người dùng hãy cẩn trọng khi tham gia, hoạt động trên không gian mạng. Người dùng nên luôn đặt câu hỏi: Dịch vụ đó yêu cầu thông tin cá nhân của mình để làm gì, có cần phải cung cấp hay không?

Tin cùng chuyên mục