ĐBSCL và Nghị quyết “thuận thiên” phát triển bền vững

Hôm nay 18-6, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Yêu cầu của Thủ tướng đặt ra đối với hội nghị lần này là đánh giá được cụ thể những kết quả đã làm được và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP trong thời gian tới; tạo được sự nhận thức rộng rãi hơn nữa, tính lan tỏa ở cả cấp địa phương và chính quyền trong đổi mới tư duy và hành động; chuyển hóa được các thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững về kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL trong bối cảnh thích ứng với BĐKH.

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, là nơi sinh sống và làm việc của gần 20 triệu người, mỗi năm đóng góp khoảng 27 - 28 triệu tấn lương thực và thực phẩm, đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia. Do đặc điểm nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Mê Công, 2 mặt giáp biển với chiều dài ven biển trên 700km nên tác động của các dao động biển lên đồng bằng rất lớn. ĐBSCL đang chịu hai tác động của nguồn nước. Một là dòng chảy của sông Mê Công từ thượng nguồn đổ về và thứ hai là dòng triều do biển xâm nhập vào đất liền.

Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa. Nay, do hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy trở nên mạnh và hung dữ hơn. Nước “đói” sẽ “ăn” dần đất ở hai bên bờ sông và lòng dẫn. So sánh hiện nay với 10 năm trước, cả đáy sông Tiền và sông Hậu đều sâu hơn gấp 2 - 3 lần. Mực nước ngầm xuống thấp làm mặt đất thêm sụt lún và quá trình mực nước biển dâng, xâm thực mạnh làm mất dần đất vùng ven biển.

Theo Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), hiện ĐBSCL có khoảng hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, trung bình mỗi năm mất hơn 500ha đất, tương đương xóa sổ trên bản đồ diện tích của một xã. Ảnh vệ tinh cho thấy ở vùng ven biển các điểm thoái lui gia tăng nhiều, cao hơn gấp đôi điểm bồi lấp. Có nơi vùng biển lùi dần về phía đất liền 10 -12m/năm. Nhiều cánh rừng ngập mặn cũng không giữ nổi đất dưới sự giận dữ của thiên nhiên, từ dòng chảy và sóng biển.
BĐKH cũng đang đe dọa sản xuất và sinh kế của người dân. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, có đến 62,17% dân số vùng ĐBSCL hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Hai nguồn sinh kế này phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm tự nhiên của nguồn tài nguyên khí hậu, nước và đất đai. Sự thay đổi tính chất do BĐKH sẽ có tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sinh kế của phần lớn người dân trong vùng. Theo dự báo, 90% diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và 70% diện tích sẽ bị xâm nhập mặn do hậu quả của BĐKH.
Những tác động kết hợp giữa lũ lụt và xâm nhập mặn đe dọa sản lượng nông nghiệp của vùng, đặc biệt là sản xuất lúa gạo. Dự báo năng suất lúa của ĐBSCL có thể giảm tới 50% vào năm 2100. Nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, năng suất lúa vụ xuân vùng ĐBSCL có thể giảm tới 8,1% vào năm 2030 và giảm tới 15% vào năm 2050 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời. BĐKH cũng gây nên những tác động tiêu cực trực tiếp đến thu nhập từ nuôi cá tra và nuôi tôm.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP - còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên” cho ĐBSCL, hệ thống cơ chế, chính sách đã từng bước được hoàn thiện, bổ sung tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hạ tầng giao thông, phát triển đô thị ổn định dân cư, lồng ghép yếu tố BĐKH. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Hiện các bộ, ngành trung ương đã rà soát số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường, cập nhật dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát vùng ĐBSCL, dữ liệu về tài nguyên nước, đang khẩn trương xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL làm cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; thúc đẩy kết nối liên vùng, khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, trái cây, giảm trồng lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, bên cạnh sự “trở bộ” tích cực của một số bộ, ngành, địa phương, vẫn còn không ít bộ, ngành, địa phương chủ quan, lơ là, không xác định được nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết, cấp bách ứng phó với BĐKH.
Theo đó, để ĐBSCL phát triển bền vững như Nghị quyết 120/NQ-CP đã đặt ra, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất có xét đến những thay đổi của điều kiện BĐKH và thiên tai; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường nước; chủ động thích ứng, chú trọng công tác thông tin, dự báo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, biến nông dân thành công nhân nông nghiệp; khơi dậy truyền thống tự cường, vượt khó của người dân trong vùng vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung!

Tin cùng chuyên mục