ĐBSCL tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Hiện tại, nhiều tỉnh thành ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều địa phương đang lo giải ngân không hết vốn…
Dự án cầu Trần Hoàng Na lỗi hẹn về đích gần 5 tháng
Dự án cầu Trần Hoàng Na lỗi hẹn về đích gần 5 tháng

Công trình xây dựng hồ nước ngọt diện tích 60ha (xã Khánh An, huyện U Minh) là công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau. Công trình có kinh phí xây dựng trên 186 tỷ đồng, được khởi công vào đầu năm 2022 và dự kiến hoàn thành cuối năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, công trình khó hoàn thành kế hoạch đề ra, khi mà đến đầu tháng 10-2022, tiến độ thi công mới hơn 38%.

Theo đơn vị thi công, dù thời gian qua đã cố gắng tập trung nhân lực và thiết bị nhưng việc thi công gặp nhiều khó khăn. Để đào đắp hơn 3,4 triệu m3 đất (hồ chứa nước ngọt) phải vận hành máy hút bùn công suất lớn, cần rất nhiều nhiên liệu, nhưng mua dầu lúc có, lúc không. Quá trình thi công lại vướng mặt bằng bãi chứa đất B6 và B9 nên ảnh hưởng đến tiến độ. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã làm việc với chủ đầu tư (Ban Quản lý các dự án ODA và NGO) cùng các đơn vị có liên quan, yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc, thường xuyên kiểm tra và báo cáo tiến độ thi công, lập biên bản từng việc cụ thể.

Nhiều dự án trọng điểm của TP Cần Thơ cũng chậm tiến độ, như dự án cầu Trần Hoàng Na có vốn đầu tư 800 tỷ đồng, bắc qua sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Công trình được khởi công vào tháng 9-2020 và dự kiến hoàn thành cuối tháng 6-2022, nhưng đến nay “cái hẹn về đích” chưa biết khi nào. TP Cần Thơ còn các công trình trọng điểm khác đang ở trạng thái kéo dài như: đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ…

Tại Bạc Liêu, nhiều năm qua, người dân rất bức xúc trước dự án xây dựng đường và cầu Kinh Tư 2 - cầu Châu Điền về xã Long Điền Đông. Dự án khởi công cuối năm 2018, dự kiến thời gian hoàn thành năm 2021, nhưng quá trình thực hiện dự án rất chậm, nhất là cầu Kinh Tư 2 (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Cây cầu này thi công được 2 phần mố, gác dầm… thì ngưng thi công.

Thực tế, công tác giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL thường xuyên đi kiểm tra thực tế, đốc thúc tiến độ, nhưng không ít chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa thực hiện quyết liệt. Tính đến cuối quý 3-2022, Cà Mau giải ngân được 47% vốn đầu tư công năm 2022; Bạc Liêu giải ngân được 41%; TP Cần Thơ giải ngân được 41%… Nhiều tỉnh thành đặt kế hoạch đến cuối quý 3-2022 phải giải ngân 75% tổng kế hoạch vốn nên khối lượng thực hiện từ nay đến cuối năm rất nhiều.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vừa quyết định thành lập 2 tổ công tác (do 2 phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách), mục đích là theo dõi, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công quan trọng, trọng điểm, có tổng mức đầu tư lớn trên địa bàn. Cà Mau đặt yêu cầu đến cuối năm 2022, giải ngân trên 98% kế hoạch vốn đã bố trí.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: UBND TP Cần Thơ đã lập 4 đoàn (do 4 phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn) để kiểm tra, giải quyết khó khăn vướng mắc. Qua đó, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, các sở ngành, kể cả phối hợp với bộ, ngành Trung ương, để thực hiện các thủ tục. Một số dự án khó khăn không giải ngân được thì cắt giảm nguồn vốn. UBND TP Cần Thơ cũng đã gửi văn bản cho Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để xin giảm vốn vay ODA 1.450 tỷ đồng; giảm nguồn ghi thu, ghi chi đối với các dự án ngoài ngân sách khoảng 800 tỷ đồng.

“Đây là nguồn vốn vay, năm nay thành phố không có nhu cầu sử dụng thì không vay, mà sẽ điều chỉnh để chuyển qua năm sau. Phần còn lại, thành phố sẽ tập trung giải ngân tại các dự án giao thông lớn. Nếu làm nghiêm túc, quyết liệt, đến cuối năm 2022, TP Cần Thơ có thế giải ngân đạt 95% như chỉ tiêu của Chính phủ”, ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục